FTA Thụy Sĩ và Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ tháng Bảy

FTA Thụy Sĩ, Trung Quốc sẽ giúp cải thiện việc tiếp cận thị trường của mỗi nước đối với hàng hóa, dịch vụ cũng như giao lưu kinh tế giữa hai nước nói chung.
FTA Thụy Sĩ và Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ tháng Bảy ảnh 1Bộ trưởng kinh tế Thụy Sĩ Johann Schneider-Ammann (trái) bắt tay Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành sau lễ ký hồi tháng Bảy năm nay. (Nguồn: swissinfo.ch)

Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Thụy Sĩ và Trung Quốc sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/7 sau khi nội các Thụy Sĩ "bật đèn xanh" cho hiệp định này.

Sự kiện này có ý nghĩa rất đặc biệt bởi đây là thỏa thuận FTA đầu tiên giữa Trung Quốc với một nền kinh tế thuộc “lục địa già."

Trước đó, ngày 6/7/2013, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành và Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Johann Schneider-Ammann đã ký kết FTA giữa hai nước. Sau đó, hồi tháng Ba, Quốc hội Thụy Sĩ đã thông qua thỏa thuận này cho dù vẫn còn những lo ngại kéo dài về vấn đề nhập cư.

Chính phủ Thụy Sĩ cho rằng FTA với Trung Quốc sẽ giúp "cải thiện việc tiếp cận thị trường của mỗi nước đối với hàng hóa, dịch vụ cũng như cơ sở pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và giao lưu kinh tế giữa hai nước nói chung." Bên cạnh đó, thỏa thuận này sẽ giúp loại bỏ hàng rào thuế quan ở hầu hết các lĩnh vực thương mại song phương.

Theo số liệu thống kê, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Thụy Sĩ ở châu Á và đứng thứ ba sau Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Năm 2012, xuất khẩu của Thụy Sĩ sang Trung Quốc trị giá 8 tỷ franc (9 tỷ USD) và nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 10 tỷ franc.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng FTA này sẽ tạo điều kiện tiếp cận thị trường đối với hơn 84% hàng xuất khẩu của Thụy Sĩ sang Trung Quốc. Các loại hàng hóa như máy móc, đồ điện, hóa chất và đồng hồ nhận được giảm thuế đáng kể hoặc mức thuế bằng không. Còn Thụy Sĩ đã đồng ý miễn thuế trên 99,7% hàng xuất khẩu Trung Quốc, chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp.

Thỏa thuận này cũng quy định thủ tục hải quan mới giữa hai nước và mở rộng một số hoạt động kinh doanh như sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, minh bạch và giải quyết tranh chấp. Thương mại song phương giữa Trung Quốc và Thụy Sĩ đạt hơn 26 tỷ USD trong năm 2012./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục