FTA lục địa châu Phi - Hình mẫu hợp tác mới hay thoái trào?

Thúc đẩy nhanh việc thực thi hay hoãn lại AfCFTA trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, mỗi lựa chọn đều có những điểm mạnh và cạm bẫy riêng, khiến các nhà hoạch định chính sách lưỡng lự.
FTA lục địa châu Phi - Hình mẫu hợp tác mới hay thoái trào? ảnh 1Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) ở Niamey, Niger. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng dailymaverick.co.za đã đăng bài phân tích của tác giả Ronak Gopaldas, Giám đốc Chương trình Tín hiệu nguy cơ, Viện Khoa học kinh doanh Gordon thuộc Đại học Pretoria (UP), Nam Phi về tương lai của hiệp định Khu vực Thương mại Tự do Lục địa châu Phi (AfCFTA - African Continental Free Trade Area).

Triển vọng thực thi hay trì hoãn của hiệp định này có thể trở thành hình mẫu của sự hợp tác mới hoặc sự thoái trào châu lục.

Được ký kết năm 2018, AfCFTA được xem là trường hợp điển hình đầy thú vị về hợp tác đa phương chống lại làn sóng đang gia tăng của các chính sách dân tộc và bảo hộ.

Châu Phi được kỳ vọng sẽ ngăn chặn xu hướng thoái lui của chủ nghĩa toàn cầu và hội nhập bằng cách tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. 

Tuy nhiên, thời điểm thực thi AfCFTA dự kiến ban đầu là ngày 01/7/2020 sẽ bị lùi lại ít nhất cho đến năm 2021, trong bối cảnh các nước đang phải vật lộn chống lại tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Khi đại dịch mới bùng phát, các nhà hoạch định chính sách đã phải đối mặt với một vấn đề nan giải: Thúc đẩy nhanh việc thực thi hay hoãn lại AfCFTA? Mỗi lựa chọn đều có những điểm mạnh và cạm bẫy riêng, khiến các nhà hoạch định chính sách lưỡng lự. 

Thúc đẩy nhanh việc thực thi AfCFTA là lựa chọn tối ưu hơn, bởi nhiều lý do. Trước tiên, thực thi AfCFTA sẽ tạo cú huých đà cho các doanh nghiệp châu Phi đang phải trải qua sự sụp đổ chưa từng thấy về nhu cầu và khủng hoảng dòng tiền.

Thương mại tự do - hoặc thương mại với các dòng thuế được cắt giảm - sẽ giảm dần chi phí của hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu, cho phép các công ty dịch chuyển nguồn tiền tiết kiệm đến người tiêu dùng và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng.

[Châu Phi có bị bỏ quên trong cuộc chiến chống dịch COVID-19?]

Thứ hai, thực thi AfCFTA sẽ mang tính biểu tượng mạnh mẽ khi các nền kinh tế riêng rẽ của châu Phi liên kết lại với nhau đi ngược lại các hiện tượng cực đoan về bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc nhằm chứng minh cho các thị trường phát triển thấy tầm quan trọng của hội nhập khu vực và toàn cầu. 

Bất chấp những lợi ích trên, những hạn chế thực tế của tư tưởng “mọi việc đâu sẽ vào đó” là rất rõ ràng. Hầu hết các nước châu Phi đã buộc phải đóng cửa biên giới và phong tỏa chặt chẽ để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Thực tế này không chỉ gây ra những rào cản hậu cần vận chuyển không lường trước được, mà sự sụp đổ về nhu cầu sẽ tạo ra một khởi đầu kém tốt lành hơn cho thỏa thuận vốn được đánh giá mang tính bước ngoặt với châu Phi. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận những hạn chế về năng lực, bởi các nước phải tập trung hoàn toàn các nguồn lực cho quản lý khủng hoảng. 

Cuộc chiến chống COVID-19 đòi hỏi sự hợp lực của toàn xã hội. Phần lớn nguồn tài chính và nguồn nhân lực vốn dự kiến dành cho việc hoàn thiện AfCFTA sẽ phải chuyển hướng ưu tiên sang điều chỉnh ngân sách và các chương trình hỗ trợ xã hội. Các nhà hoạch định chính sách buộc phải thực dụng trong tình huống này. 

Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Phi (AU) dự kiến vào tháng Năm này để hoàn thiện các biểu thuế quan thương mại đã bị hoãn đến ngày 5/12 tới, khiến thời điểm thực thi AfCFTA đương nhiên bị lùi lại.

FTA lục địa châu Phi - Hình mẫu hợp tác mới hay thoái trào? ảnh 2AfCFTA mở rộng cánh cửa giao thương vào thị trường trị giá 2.500 tỷ USD. (Nguồn: cironline.org)

Sự chậm trễ là điều dễ hiểu, nhưng phải đi kèm với cam kết khởi động lại quy trình thực thi ngay sau khi điều kiện cho phép. Điều này không chỉ để bảo vệ uy tín của AfCFTA, mà còn để duy trì động lực và trách nhiệm của tất cả các bên ký kết, cũng như ngăn chặn các quốc gia sử dụng COVID-19 như một lý do để từ bỏ hiệp định này. 

Điều quan trọng nhất là với thương mại tự do, các chính phủ sẽ phải từ bỏ doanh thu trước đó từ việc áp thuế nhập khẩu (hải quan và thuế tiêu thụ trong nước).

Trì hoãn việc bắt đầu thực thi AfCFTA cho phép các quốc gia tiếp tục đánh thuế và duy trì doanh thu vốn đang rất cần thiết để tài trợ cho chi phí dịch vụ nợ ngày càng cao hơn, cũng như chi tiêu cho y tế và trợ cấp xã hội. 

Tuy nhiên, điều này sẽ duy trì gánh nặng chi phí mà nhiều doanh nghiệp sẽ không thể tiếp tục chịu đựng trong môi trường hiện tại và đe dọa tính bền vững của các doanh nghiệp này. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Phi vẫn đang thúc đẩy để AfCFTA có thể bắt đầu thực thi vào nửa cuối của năm 2020. 

Xuất phát từ nhiều lý do thực tế, việc trì hoãn thực thi AfCFTA có thể có tác động tài chính tích cực tạm thời. Thông qua sự trì hoãn này, các nhà hoạch định chính sách có thể duy trì doanh thu thương mại trong ngắn hạn, nhưng phải trả giá bằng sự kích thích kinh doanh trực tiếp (các chi phí thương mại thấp hơn) vốn sẽ mang lại doanh thu cao hơn và bền vững hơn trong dài hạn.

Thông thường, doanh thu bị sụt giảm của chính phủ do miễn thuế nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ cuối cùng sẽ được bù đắp thông qua khối lượng tiêu thụ cao hơn.

Năm 2019, Liên hợp quốc ước tính AfCFTA sẽ tăng khối lượng thương mại lên tới 50% trong 20 năm tới. Thiệt hại về thuế nhập khẩu có thể sẽ được bù đắp nhiều hơn bởi mức tăng tiêu thụ và thuế doanh nghiệp cao hơn. Nhưng COVID-19 khiến các dự đoán này trở nên lỗi thời. 

Tình hình hiện tại đang tạo ra tâm lý lo lắng. Những tác động đối với doanh thu thuế của chính phủ trong dài hạn là rất nghiêm trọng. Khi cuộc khủng hoảng COVID-19 lắng xuống, cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo cũng có thể khiến các quốc gia đánh giá lại liệu họ có đủ khả năng tiếp tục chịu tác động của việc cắt giảm thuế theo yêu cầu của thương mại tự do hay không. 

Gánh nặng nợ ngày càng tăng, doanh thu thuế giảm và thâm hụt tài khóa đang bùng nổ. Các chính phủ phải có tầm nhìn dài hạn về lợi ích của thương mại tự do lục địa đối với các cá nhân, giới doanh nghiệp và tài khóa. 

Sức mạnh của AfCFTA nằm ở sự can dự của ý chí chính trị, cũng như các nỗ lực vượt bậc để tất cả các quốc gia thành viên đều trên một chuyến tàu. Nếu một quốc gia rút lui, có thể nhiều nước khác sẽ tiếp bước.

Toàn thế giới đang phải đối mặt với những lo ngại về an ninh lương thực, chủ nghĩa bảo hộ, các chế độ thị thực và sự gia tăng bài ngoại, do đó châu Phi cần kiểm soát những tư tưởng độc hại này. 

Những cuộc trả đũa lẫn nhau sẽ dễ dàng phá hỏng các cuộc đàm phán thương mại, những nhượng bộ và thiện chí được xây dựng trong hơn một thập kỷ qua để đạt được AfCFTA.

Sự trì hoãn thực thi AfCFTA có nguy cơ dẫn đến việc hủy bỏ hiệp định thương mại lục địa này. Theo Trung tâm Luật Thương mại (Tralac - trung tâm chuyên về nghiên cứu luật và thực tiễn thương mại quốc tế có trụ sở tại Cape Town, Nam Phi – ND), điểm số phần trăm trung bình hiện tại của các quốc gia thành viên AU về mức độ cam kết đối với AfCFTA là 44,48% và mức độ sẵn sàng thực hiện là 49,15%. 

Do đó, toàn bộ châu Phi cam kết ít hơn 50% và chuẩn bị ít hơn 50% cho việc thực thi AfCFTA. Các mức độ này có thể bị giảm khi các xung lực dân tộc tiếp tục gia tăng và các nhà hoạch định chính sách tập trung vào “cứu hỏa” đại dịch COVID-19. 

Việc từ bỏ AfCFTA sẽ hoàn tác tiến bộ ngoại giao đáng kể mà châu Phi đã đạt được vào thời điểm cần sự hợp tác hơn bao giờ hết để vượt qua khủng hoảng toàn cầu. Một động thái như vậy sẽ tiếp tục kéo dài hiện trạng hiệu suất kinh tế dưới mức trung bình và tiềm năng chưa được khai thác của châu Phi. 

Bối cảnh thương mại toàn cầu có thể sẽ thay đổi đáng kể khi các quốc gia điều chỉnh và giảm thiểu rủi ro của sự phụ thuộc quá mức vào sản xuất và nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng hiện nay có thể chính là động lực cần thiết đối với châu Phi để tăng tốc sản xuất, thương mại điện tử, số hóa và an ninh lương thực của lục địa. Tất cả các yếu tố đó sẽ là khởi phát cho tăng trưởng kinh tế khu vực. Chỉ thông qua AfCFTA, những khát vọng trên mới có thể được hiện thực hóa. 

Các liên minh chính trị và hợp tác trên toàn thế giới đang bị lỏng lẻo và COVID-19 đã thúc đẩy xu hướng này tới các chính sách biệt lập. Đại dịch cũng buộc các thị trường phát triển phải tập trung hầu như toàn bộ vào các nền kinh tế của chính những nước này, dẫn đến việc từ bỏ viện trợ tài chính, cũng như những nhượng bộ cho các quốc gia khác. Và châu Phi nhiều khả năng sẽ không hiện diện trong chương trình nghị sự toàn cầu với mức độ như trước đó, nếu sự hợp tác quốc tế suy yếu dần. 

Vuột mất đà phát triển thương mại tự do lúc này sẽ là một bước thụt lùi sâu rộng. Vì sự thịnh vượng lâu dài của lục địa, châu Phi phải cùng nhau phản đối xu hướng phi toàn cầu hóa, cũng như chứng minh giá trị của sự hợp tác và kết nối khu vực.

Khi các quan hệ chính trị và thương mại toàn cầu giảm sút, châu Phi có thể là mô hình hợp tác đầy bất ngờ, đẩy lùi chủ nghĩa dân tộc và định vị lục địa này nhằm gặt hái những lợi ích của sự phục hồi trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục