Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, vừa qua Đoàn Thanh tra của Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sang Việt Nam đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá thuộc bộ Siluriformes của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Kết quả kiểm tra sơ bộ được phía cơ quan chức năng Hoa Kỳ đánh giá cao và chỉ một số lỗi kỹ thuật nhỏ ở một số ao nuôi, doanh nghiệp.
Về quản lý nhà nước, Việt Nam đã hoàn thiện hơn so với các đợt kiểm tra trước đó.
Để chuẩn bị cho việc kiểm tra của Đoàn Thanh tra của Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã chủ động chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương tập trung ở các vùng nuôi.
Kết quả là Đoàn Thanh tra của FSIS không ghi nhận sai lỗi đối với 3 hợp phần về giám sát của cơ quan thẩm quyền; cơ quan thẩm quyền và an toàn thực phẩm và các quy định khác về bảo vệ người tiêu dùng; chương trình phân tích vi sinh vật.
[Đâu là yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu cá tra Việt Nam?]
Đối với 3 hợp phần về giám sát vệ sinh, thẩm tra hệ thống HACCP; chương trình kiểm soát dư lượng hoá chất, phòng kiểm nghiệm, Đoàn Thanh tra ghi nhận một số sai lỗi như: giám sát chất lượng nước nuôi chưa đúng quy định; thực hiện quy phạm vệ sinh chưa đúng quy định do doanh nghiệp đã đề ra, xác định điểm kiểm soát tới hạn (CCP) chưa chính xác; ghi nhãn hoá chất kiểm nghiệm.
“Các sai lỗi này đều là sai lỗi đơn lẻ, không nghiêm trọng của hệ thống kiểm soát đã được khắc phục ngay khi Đoàn Thanh tra kết thúc làm việc tại Việt Nam,” Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường (NAFIQPM) cho biết.
Theo NAFIQPM, báo cáo chính thức kết quả thanh tra sau 30 ngày, đoàn cho biết trong quá trình xem xét và sẽ xử lý thông tin, FSIS có thể ghi nhận thêm các lỗi hoặc khuyến cáo.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Việt Nam đã có cả quá trình đấu tranh về thuế chống bán phá giá ở thị trường Hoa Kỳ.
Theo đó, định kỳ Hoa Kỳ sẽ sang Việt Nam kiểm tra để đánh giá tính tương đương của hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm. Khi Hoa Kỳ công nhận tương đương đã chứng minh trình độ sản xuất từ giống, sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến… cá tra Việt Nam.
Ngành hàng cá tra sau 25 năm phát triển đã trở thành ngành hàng quan trọng với sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn/năm và xuất khẩu đạt kỷ lục 2,46 tỷ USD vào năm 2022. Đây là niềm tự hào của Việt Nam, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Vừa qua, từ ngày 7-22/8, Đoàn Thanh tra của Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ đã xem xét, đánh giá tính tương đương của hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm qua 6 hợp phần.
Đó là, giám sát của cơ quan thẩm quyền; cơ quan thẩm quyền và an toàn thực phẩm và các quy định khác về bảo vệ người tiêu dùng; giám sát vệ sinh; thẩm tra hệ thống HACCP; chương trình kiểm soát dư lượng hoá chất/phòng kiểm nghiệm; chương trình phân tích vi sinh vật.
Đoàn Thanh tra đã thanh tra 10 cơ sở chế biến, xuất khẩu trong tổng số 26 doanh nghiệp trong Danh sách Chế biến Xuất khẩu Cá Da trơn vào Hoa Kỳ; 5 cơ sở nuôi cá tra cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến xuất khẩu vào Hoa Kỳ tại Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang, Đồng Tháp; 3 cơ quan thuộc NAFIQPM và Phòng Kiểm nghiệm Sinh học và Hóa học của Trung tâm Chất lượng Nông lâm Thủy sản vùng 6.
Trước bối cảnh trầm lắng của thị trường xuất khẩu, Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo tích cực nhất là kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay sẽ đạt khoảng 2 tỷ USD, giảm 15%.
Tuy nhiên, một kịch bản xấu hơn là có thể giảm từ 20-25% kim ngạch xuất khẩu cá tra so với năm 2022./.