FSB dừng điều tra vụ binh biến do lính đánh thuê Wagner thực hiện

FSB giải thích trong quá trình điều tra vụ án hình sự về cuộc nổi loạn vũ trang do Wagner thực hiện, cơ quan điều tra xác định những người tham gia đã ngừng các hành động nhắm tới mục tiêu phạm tội.
FSB dừng điều tra vụ binh biến do lính đánh thuê Wagner thực hiện ảnh 1Người đứng đầu Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, ông Yevgeny Prigozhin (phía trước) và các thành viên của Wagner tại thành phố Bakhmut, miền Đông Ukraine ngày 20/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 27/6, hãng tin Ria Novosti cho biết Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) đã đóng hồ sơ, dừng việc điều tra về cuộc nổi loạn vũ trang do lực lượng lính đánh thuê Wagner thực hiện tại Nga.

"Trong quá trình điều tra vụ án hình sự... về cuộc nổi loạn vũ trang, cơ quan điều tra hôm 24/6 xác định thấy rằng những người tham gia đã ngừng các hành động nhắm tới mục tiêu phạm tội," FSB giải thích.

Trước đó, FSB đã mở một cuộc điều tra chống lại ông Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo Wagner, về việc tổ chức nổi loạn.

Cuộc điều tra diễn ra sau khi binh lính Wagner chiếm giữ trụ sở của Quân khu phía Nam ở thành phố Rostov-on-Don.

Prigozhin cáo buộc quân đội Nga đã tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và bom vào một số khu đóng quân của Wagner, nhưng thông tin này bị Bộ Quốc phòng Nga và FSB bác bỏ.

[Tổng thống Nga Putin đưa ra các lựa chọn đối với các thành viên Wagner]

Trong một bài phát biểu trước người dân Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã gọi vụ nổi loạn là một hành động "đâm sau lưng và phản bội."

Vụ bạo loạn kết thúc sau khi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đàm phán với Prigozhin và đồng ý để ông này sang Belarus.

Đổi lại Wagner dừng các hoạt động quân sự trong lãnh thổ Nga và thực hiện các bước giảm căng thẳng tiếp theo.

Trước đó, Ủy ban Chống khủng bố của Nga hôm 23/6 thông báo ông Prigozhin bị điều tra vì liên quan tới cáo buộc ủng hộ hoạt động binh biến chống chính phủ. Ủy ban cho biết FSB đã "mở một cuộc điều tra hình sự về lý do kêu gọi nổi dậy vũ trang".

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc ông Prigozhin lan truyền thông tin sai sự thật qua một đoạn video đăng tải trên mạng xã hội với nội dung tuyên bố quân đội Nga đã tấn công một căn cứ của Wagner. Trong video, Prigozhin khẳng định sẽ đưa quân đến Moskva và bắt giữ những người có trách nhiệm.

Bộ Quốc phòng Nga mô tả tuyên bố của người đứng đầu Wagner là "sự khiêu khích về thông tin", diễn ra khi quân đội Nga đang tiến hành cuộc chiến ở Ukraine. Hành vi của Prigozhin có thể khiến ông này bị phạt từ giam từ 12 tới 20 năm.

Một ngày sau, Điện Kremlin thông báo Prigozhin sẽ tới Belarus và vụ án hình sự mà nhân vật này phải đối mặt sẽ được khép lại.

Trong thông báo gửi báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh theo thỏa thuận do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đề xuất và được Tổng thống Nga Vladimir Putin chấp thuận, các lực lượng Wagner sẽ rút về khu lều trại dã chiến của mình, nhằm chấm dứt đổ máu.

Bên cạnh đó, ông Prigozhin và các thành viên của Wagner sẽ không bị truy tố, nếu tuân thủ thỏa thuận.

Ông Peskov bác bỏ khả năng vụ việc vừa qua sẽ tác động tới chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin cũng gửi lới cảm ơn tới Tổng thống Lukashenko trong vai trò trung gian giúp xử lý cuộc nổi loạn này.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình RT phát sóng vào ngày 26/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho biết vào sáng 24/6, khi bắt đầu xuất hiện thông tin về cuộc binh biến ở Nga, Tổng thống Lukashenko đã gọi điện cho người đồng cấp Nga và đề nghị hỗ trợ giải quyết tình hình.

Trong cuộc điện đàm, ông Lukashenko đã ủng hộ việc giải quyết vụ Wagner một cách hòa bình. Ông đề nghị phải nỗ lực hết sức để ngăn đổ máu, điều không thể tránh khỏi nếu các đội hình Wagner tiếp tục di chuyển về hướng thủ đô Moskva.

Đề xuất của ông Lukashenko đã được ông Putin ủng hộ. Nhờ đó, ông Lukashenko đã đàm phán thành công với Prigozhin và thuyết phục trùm Wagner ngừng cuộc binh biến gây chấn động.

Lực lượng đánh thuê Wagner được một sĩ quan quân đội Nga có tên Dmitri Utkin thành lập. Utkin là một cựu binh trong cuộc chiến của Nga tại Chechnya. Ông đặt tên cho tập đoàn này là Wagner, theo mật danh liên lạc của mình qua radio. Sau này, Yevgeny Prigozhin trở thành lãnh đạo của Wagner.

Kể từ khi thành lập, lính đánh thuê Wagner đã tham gia vào nhiều cuộc xung đột quân sự, gồm cuộc chiến ở Syria, các cuộc giao tranh ở Donbass, Ukraina. Thậm chí có tin lính Wagner xuất hiện trong cuộc xung đột ở Libya, Cộng hòa Trung Phi, Mali và một số nơi khác.

Nhóm này được cho là có sức mạnh quân sự đáng kể và có khả năng thực hiện các nhiệm vụ quân sự phức tạp. Tuy nhiên, hoạt động và vai trò của Wagner trong các cuộc xung đột cũng gây ra không ít tranh cãi./.

/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục