Ngày 20/8, 100 trí thức tài năng của Việt Nam làm việc thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ ở trong và ngoài nước đã thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Tại làng phần mềm FPT (thuộc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc), các chuyên gia đã cùng lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, tiên phong trong phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ của Việt Nam thảo luận các vấn đề nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
[Làm gì để kết nối 10.000 nhà khoa học Việt trên toàn cầu?]
Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình đã chia sẻ về những bài toán lớn trong nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 vào các lĩnh vực chính phủ điện tử, y tế thông minh, giao thông thông minh, tài chính, ngân hàng… Ông Bình cũng bày tỏ mong muốn 100 nhân tài tham gia cùng FPT đưa ra lời giải hiệu quả cho các bài toán này.
“Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng tiên phong chuyển đổi số của Việt Nam, chúng ta không thể bỏ lỡ mà cần chủ động nắm bắt. Các tài năng trẻ của Việt Nam có kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu trong các ngành trong khi đó các doanh nghiệp công nghệ như FPT có các dự án, các bài toán ứng dụng xu hướng công nghệ mới nhất vào thực tế hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức. Sự hợp lực của hai bên sẽ tạo nên sức mạnh vô giá để Việt Nam khai thác các cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, trở thành quốc gia tiên phong chuyển đổi số và tham gia chuyển đổi số cho các tập đoàn hàng đầu thế giới,” ông Trương Gia Bình cho biết.
Trong thời gian qua, FPT đã đầu tư nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, IoT (Internet of things), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, xe tự hành… tạo ra các dịch vụ mới như chuyển đổi số (digitaltransformation). Những nghiên cứu này là điểm then chốt để FPT trở thành đối tác tham gia chuyển đổi số và thậm chí là cùng các tập đoàn lớn trên phạm vi toàn cầu nghiên cứu, phát triển giải pháp, ứng dụng trên nền tảng công nghệ IoT như Airbus, GE, Siemen, Microsoft, AWS, Daiwa Institute of Research (DIR), Toppan, Toshiba…
Năm 2017, FPT đã ra mắt nền tảng công nghệ FPT.AI cho cộng đồng với hai cấu phần công nghệ xử lý giọng nói và nền tảng hội thoại FPT ( FPT.AI – Conversational Platform). Hiện, nền tảng này đang có hơn 4.000 nhà phát triển sử dụng; 1,5 triệu ký tự được chuyển thành giọng nói, tương đương hơn 27.000 giờ nói tự động; phát triển các ứng dụng tự động tương tác trò chuyện với người dùng cuối (chatbot) cũng như cho khách hàng trong một số lĩnh vực y tế, viễn thông, bán lẻ./.