Trên trang Forbes, các chuyên gia của mạng lưới đại lý du lịch hạng sang OvationNetwork đề xuất 24 điểm đến lý tưởng nhất trên khắp thế giới trong năm 2024, trong đó có Vịnh Hạ Long của Việt Nam.
Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có một điểm đến được lựa chọn trong danh sách của OvationNetwork, kể từ danh sách thường niên được hãng công bố vào năm 2020.
Nói về lựa chọn Vịnh Hạ Long vào danh sách lần này, Forbes nhận định: “Hiếm nơi nào có được sự kết hợp hoàn mỹ giữa vẻ đẹp thiên nhiên, hoạt động ngoài trời, ẩm thực tươi ngon hấp dẫn, sự yên bình và giao thông thuận tiện như vậy.”
Chuyên viên tư vấn du lịch Andrew Lewis Harrison đưa ra đề xuất rằng Vịnh Hạ Long là nơi tuyệt vời có thể đáp ứng hầu hết nhu cầu của khách du lịch, từ khám phá thiên nhiên, tìm hiểu lịch sử, trải nghiệm ẩm thực, hay thám hiểm phiêu lưu.
Hoạt động đáng thử nhất khi đến đây là tham quan vịnh bằng phương tiện thuyền gỗ và ngắm cảnh hang động gắn liền với nhiều truyền thuyết tại hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt, hang Trinh Nữ, động Thiên Cung…
Nếu du khách e ngại về việc Vịnh Hạ Long có thể đông đúc thì trải nghiệm tại vịnh Bái Tử Long liền kề ở hướng phía Bắc cũng là một lựa chọn lý tưởng thú vị không kém.
[Quần thể Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới]
Đây không phải là lần đầu tiên Vịnh Hạ Long được đề xuất là điểm đến hấp dẫn trên thế giới.
Gần đây nhất, tháng 4/2023, chuyên trang du lịch của hãng tin CNN đánh giá Vịnh Hạ Long là một trong 25 điểm đến đẹp nhất thế giới.
CNN nhận định Vịnh Hạ Long quyến rũ du khách bởi hàng nghìn hòn đảo nhỏ nhô lên khỏi mặt nước biển xanh ngọc, và những ngôi làng nổi.
CNN gợi ý thời điểm lý tưởng nhất để đến Hạ Long là từ tháng 3-4 và từ tháng 9-11 vì trời rất ít mưa và điều kiện hành trình gần như hoàn hảo.
23 điểm đến còn lại trong danh sách được OvationNetwork đề cử là Sardinia (Italy); Urla (Thổ Nhĩ Kỳ); Niseko (Nhật Bản); Jeju (Hàn Quốc); Thung lũng Orkhon (Mông Cổ); Goa (Ấn Độ); Tangalle (Sri Lanka); Oaxaca (Mexico); Comporta (Bồ Đào Nha); San Sebastian (Tây Ban Nha); sông Nile (Ai Cập); Marrakesh (Maroc); Milos (Hy Lạp); Thác Iguazu (Brazil/Argentina); Isla Baru (Colombia); Biarritz (Pháp); Pokhara (Nepal); Tallinn (Estonia); Bergen (Na Uy); Franschhoek (Nam Phi); Nuku Hiva (French Polynesia); đảo Phục Sinh ( Chile); vùng hồ Saimaa (Phần Lan).
Trước đó, ngày 16/9/2023, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã công nhận quần thể Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận Di sản Thế giới bởi nơi đây có các khu vực với vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ; đỉnh nhọn núi nhô lên trên mặt biển cùng với đặc điểm đá vôi (karst) liên quan như các mái vòm, hang động.
Với 1.133 hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ (775 đảo đá vôi thuộc Vịnh Hạ Long và 358 đảo đá vôi thuộc Quần đảo Cá Bà) được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú trên mặt nước lấp lánh màu ngọc bích, Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà hiện lên như một bàn cờ bằng đá quý; nước non trùng điệp, thanh bình; những bãi cát trắng mịn, tinh khôi.
Với sự giao thoa của núi rừng và biển đảo, Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà có mức độ đa dạng cao của châu Á khi sở hữu 7 hệ sinh thái biển-đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển.
Đó là hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh; hệ sinh thái hang động; hệ sinh thái rừng ngập mặn; hệ sinh thái bãi triều; hệ sinh thái rạn san hô; hệ sinh thái đáy mềm; hệ sinh thái hồ nước mặn.
Các hệ sinh thái này đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học vẫn đang tiến hóa và phát triển, thể hiện qua sự đa dạng của các quần xã động thực vật.
Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà còn là môi trường sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Sở hữu khu rừng trên biển lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 17.000ha cùng các hệ sinh thái đa dạng, Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà là điểm cư ngụ của 4.910 loài động thực vật trên cạn và dưới biển, trong số này có tới 198 loài thuộc Danh mục Đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), 51 loài đặc hữu.
Diện tích rừng nguyên sinh khoảng 1.045,2ha trên đảo Cát Bà là một trong những nhân tố quan trọng làm nên giá trị sinh thái và đa dạng sinh học của di sản.
Đặc biệt, Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) là loài quý hiếm, nằm trong danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất và được ghi vào Sách Đỏ Thế giới. Đến nay, còn khoảng 60-70 cá thể phân bố duy nhất ở Cát Bà, không còn nơi nào khác trên thế giới xuất hiện loài này...
Trước đó, Vịnh Hạ Long được UNESCO hai lần công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1994 và năm 2000./.