FLC quay trở lại dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HoSE

Tuần này, mã FLC quay trở lại dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HoSE, với 65 triệu đơn vị. Phía sàn HNX, cổ phiếu SHB vẫn giữ ngôi vị quán quân, đạt 20 triệu đơn vị.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tuần này, mã FLC quay trở lại dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HoSE, với 65 triệu đơn vị. Đứng thứ hai là mã HPG đạt 42 triệu đơn vị và các mã khác trong top 5 là KBC, OGC, ITA.

Phía sàn HNX, cổ phiếu SHB vẫn giữ ngôi vị quán quân, đạt 20 triệu đơn vị. Theo sau là mã HKB, khối lượng giao dịch gần 18 triệu đơn vị và các mã khác thuộc top 5 là SCR, PVX, PVS.

Thông tin vĩ mô nổi bật trong tuần tác động đến tâm lý thị trường, phải kể đến các công bố về dự kiến GDP năm 2017 tăng 6.7% hay để đạt được mục tiêu GDP cả năm đạt 6.5% thì quý 4 phải tăng 7.7% là không dễ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới lại vừa đưa dự báo hạ mức tăng trưởng Việt Nam xuống 6% trong năm.

Theo đó, thị trường chứng khoán có tuần giao dịch thận trọng với động thái đi ngang, các chỉ số chính điều chỉnh nhẹ đồng thời thanh khoản cũng sụt giảm.

Cụ thể, VN-Index chốt tuần giảm 1,78 điểm (0,26%), về mức 683,95 điểm. Trong tuần, cổ phiếu ROS tiếp tục gây ấn tượng với mức tăng giá tốt nhất (+30,35%) từ mức 34.100 đồng lên 44.500 đồng. Kế đến là mã SMC tăng 23,38%, từ mức 7.700 đồng lên mức 8.500 đồng. Đứng thứ 3 là mã HHS tăng 22,7%, từ mức 5.700 đồng lên 7.200 đồng.

Tuy nhiên sau cả tuần, HNX-Index vẫn có mức tăng nhẹ 0,29 điểm (+0,34%), lên mốc 85,29 điểm.

Trên sàn HNX, mã HKB là cổ phiếu tăng giá ấn tượng nhất (+ 32,58%), từ giá 8.900 đồng lên mức 11.800 đồng, đứng thứ hai là mã SGB tăng 31,42%, từ mức 28.000 đồng lên mức 36.800 đồng, tiếp đến là BKC tăng 30%, từ mức 6.000 lên mức 7.800 đồng.

Thanh khoản trên sàn HoSE có sự sụt giảm (-0,12%), với 651 triệu cổ phiếu và giá trị giao dịch giảm 9,38%, với 13.469 tỷ đồng so với tuần trước. Bên sàn HNX, giá trị giao dịch cả tuần đạt 2.618 tỷ đồng (giảm 3,1%) tương ứng với 214 triệu cổ phiếu.

Trong tuần, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 270 tỷ đồng trên HoSE, song lại mua ròng 7 tỷ đồng bên HNX.

Trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng mạnh nhất là mã PVD, đạt 2 triệu đơn vị, kế đến các mã DXG, JVC, NT2, E1VFVN30.

Trái lại, họ bán ròng nhiều nhất là mã OCG, với 15 triệu đơn vị và tiếp đến là PDR với khối lượng 3  triệu đơn vị.

Tại sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất là mã SCR, đạt 524.300 đơn vị, tiếp theo là các mã CEO, IVS, BVS, VNR.

Ngoài ra, họ bán ròng lớn nhất tại mã PVS, với 194.150 đơn vị, sau đến các mã AMV, VGS, KHB, LAS.

Như vậy, sau một tuần giao dịch tích lũy đi ngang, 2 chỉ số chính có mức tăng, giảm không đáng kể. Diễn biến, dòng tiền có sự phân hóa mạnh, chuyển từ nhóm cổ phiếu blue-chip sang các cổ phiếu vốn hoá thấp. Đặc biệt trong những phiên cuối tuần, nhiều cổ phiếu trong nhóm vốn hoá thấp có mức tăng giá khá mạnh. 

Trong tuần, nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất là nhóm công nghiệp (+2,3%), nhóm dược phẩm và y tế (+1,8%) và nhóm ngân hàng (+1,5%). Ở chiều ngược lại, nhóm công nghệ thông tin giảm giá mạnh nhất với mức (- 2,2%), tiếp theo là tiện ích cộng đồng (-2,1%).

Quan sát diễn biến chung, sau khi chỉ số VN-Index đạt mức cao nhất trong 8 năm ở mức 685,73 điểm, giới phân tích dự báo với xu hướng lạc quan, tuần tới nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục tích lũy trong biên độ 680 điểm - 690 điểm. Do đó họ cho rằng, nhà đầu tư vẫn có thể tận dung các nhịp điều chỉnh để tích lũy thêm những mã cổ phiếu cơ bản, dự báo có kết quả kinh doanh tốt trong 6 tháng cuối năm.

Số liệu thống kê do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cung cấp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục