Các cơ quan xếp hạng tín nhiệm nợ S&P và Fitch đã hạ bậc xếp hạng nợ nước ngoài của Ukraine xuống mức "vỡ nợ có chọn lọc" và "vỡ nợ có hạn chế," khi coi thỏa thuận tái cơ cấu nợ của nước này tương đương với việc không có khả năng thanh toán.
S&P hạ xếp hạng của Ukraine từ "CC/C" xuống "SD," mức "vỡ nợ có chọn lọc," nhấn mạnh rằng đa số những người nắm giữ trái phiếu eurobond nhất trí hoãn thanh toán 24 tháng.
Theo S&P, với các điều khoản và điều kiện của thỏa thuận tái cơ cấu nợ đã thông báo và theo các tiêu chí của cơ quan này, S&P coi đó là mất khả năng thanh toán và tương đương với việc vỡ nợ.
Trong khi đó, Fitch hạ bậc xếp hạng nợ nước ngoài dài hạn của Ukraine từ "C" xuống "RD," khi việc hoãn thanh toán nợ là việc hoàn tất tái cơ cấu nợ không có khả năng thanh toán.
[Dự báo kinh tế Ukraine suy giảm ít nhất 35% trong năm nay do xung đột]
Một ngày trước đó, Thủ tướng Ukraine, Denys Shmygal, cho biết hầu hết các chủ nợ đã đồng ý hoãn thanh toán số nợ 20 tỷ USD cho đến năm 2024.
Bộ Tài chính Ukraine cho biết số chủ nợ đồng ý là 75%.
Một quốc gia bị xem là vỡ nợ khi không thể thực hiện các cam kết tài chính với các chủ nợ như các chính phủ, các thiết chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các chủ nợ tư nhân.
S&P coi một quốc gia là "vỡ nợ có chọn lọc" khi quốc gia đó không có khả năng thanh toán một số trái phiếu cụ thể nhưng vẫn tiếp tục thanh toán đúng hạn số trái phiếu khác.
Một nhóm nước phương Tây như Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và Mỹ đã nhất trí cho phép Ukraine hoãn thanh toán lợi suất trái phiếu trong tháng trước và kêu gọi các nước khác tham gia vào nỗ lực này.
Do xung đột với Nga, Ukraine đối mặt với sự suy giảm 35-45% của nền kinh tế trong năm 2022./.