Ngày 5/4, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch đã quyết định giữ nguyên mức tín nhiệm AAA của Mỹ vốn được duy trì từ lâu, với đánh giá triển vọng ổn định, song cảnh báo nền kinh tế đầu tàu thế giới này cần có biện pháp kìm hãm nợ công đang tăng nhanh có thể ảnh hưởng đến chỉ số tín nhiệm "vàng" của nước này.
Trong một tuyên bố, Fitch nêu rõ việc giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm đối với Mỹ dựa trên triển vọng tích cực của nền kinh tế, với dự trữ ngoại tệ dồi dào, thu nhập bình quân đầu người cao, môi trường kinh doanh lành mạnh.
Tuy nhiên, hãng xếp hạng uy tín thế giới này cảnh báo mức vay đang tăng nhanh cùng với sự mất cân bằng về tài chính kéo dài có thể khiến nợ công của Mỹ, vốn đang ở mức cao nhất kể từ sau chiến tranh, có thể tăng lên tới mức 129% GDP vào năm 2027, nếu không có giải pháp kịp thời.
Fitch cũng dự báo tổng thâm hụt ngân sách Mỹ có thể lên mức tương đương 5% GDP trong năm nay và 6% GDP trong năm tới, trong đó thâm hụt ngân sách liên bang chiếm mức lớn nhất.
Fitch cho rằng dù trong những năm qua, Chính phủ Mỹ, cụ thể là Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed), đã có những chính sách nới lỏng tài chính, song mức nợ của nước này vẫn đáng ngại hơn so với các nước cùng hạng AAA khác.
[Bộ Tài chính Mỹ can thiệp để tránh nguy cơ chính phủ vỡ nợ]
Trước đây, Fitch đã cảnh báo hạ mức tín nhiệm "vàng" AAA của Mỹ nếu nước này không có biện pháp kịp thời nâng trần nợ công trước thời hạn chót có thể đến tháng 10/2017.
Tuy nhiên đến tháng 9/2017, nợ công của Mỹ đã chính thức vượt qua mức 20 nghìn tỷ USD chỉ ít ngày sau khi Nhà Trắng cho phép Bộ Tài chính vay thêm tiền để chi cho hoạt động của chính phủ.
Theo đó, đến ngày 12/9, nợ công của Chính phủ Mỹ đã đạt 20.160 tỷ USD, đồng nghĩa trung bình mỗi người Mỹ phải gánh nợ 62.000 USD.
Kể từ năm 1962 đến nay, Quốc hội Mỹ đã hơn 70 lần điều chỉnh ngưỡng an toàn nợ công. Tần suất điều chỉnh tăng cao kể từ năm 2002 đến nay.
Giới chuyên gia nhận định việc Chính phủ Mỹ vỡ nợ sẽ châm ngòi cho sự hoảng loạn và dẫn tới những hậu quả "thảm khốc" đối với hệ thống tài chính toàn cầu./.