Financial Times: Con đường vượt qua khủng hoảng COVID-19 đã rõ ràng

Thông qua các chiến lược khác nhau, các quốc gia kiểm soát COVID-19 tốt nhất nhìn chung được hưởng sự tự do hơn và kinh tế hoạt động tốt hơn trong 18 tháng qua.
Financial Times: Con đường vượt qua khủng hoảng COVID-19 đã rõ ràng ảnh 1Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Saint-Maur-des-Fossés, ngoại ô Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khu vực Bắc bán cầu đang nóng bỏng trong mùa Hè COVID-19 thứ hai khi biến thể Delta gia tăng ở Mỹ, châu Âu và thậm chí cả Trung Quốc, nhưng theo tờ Financial Times của Anh, diễn biến của thách thức kinh tế toàn cầu hiện đã rõ ràng.

Thông qua các chiến lược khác nhau, các quốc gia kiểm soát COVID-19 tốt nhất nhìn chung được hưởng sự tự do hơn và kinh tế hoạt động tốt hơn trong 18 tháng qua.

Các dữ liệu của quý 2/2021 cho thấy Trung Quốc và Hàn Quốc, cả hai quốc gia ban đầu lựa chọn áp dụng biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt, đã có sản lượng kinh tế vượt qua mức đỉnh trước đại dịch, không giống như các nước lớn ở châu Âu. Hai nước này cũng đã có thể nới lỏng các hạn chế hơn so với những nơi khác.

Đóng vai trò quan trọng không kém bên cạnh việc kiểm soát lây nhiễm là các biện pháp hỗ trợ tài chính cho những người bị tác động bởi COVID-19. Trên thực tế, không có mức hỗ trợ kinh tế nào là quá nhiều. Các nền kinh tế tiên tiến nhanh chóng hiểu được đặc điểm này của đại dịch. Mỹ hoạt động tốt hơn châu Âu trên mặt trận này.

Các quốc gia có thể cải thiện hiệu quả các biện pháp áp dụng trong giai đoạn khủng hoảng do đại dịch và trong quá trình quản lý sự phục hồi kinh tế trong những năm tới. Điều quan trọng đối với nền kinh tế thế giới và đối với từng quốc gia là giảm thiểu những tác động kinh tế lâu dài do đại dịch gây ra.

[Dịch COVID-19: Mối đe dọa mới từ biến chủng mang tên Lambda]

Năm 2021 đã mang đến 4 thông tin, bao gồm cả tin tốt lẫn tin xấu. Những tin tức này lý giải cho triển vọng kinh tế toàn cầu kể từ tháng Một bắt đầu sáng sủa hơn và sự thay đổi trong chiến lược từ ngăn chặn lây lan virus một cách nghiêm ngặt sang chung sống với COVID-19.

Thứ nhất, thiệt hại dài hạn do COVID-19 sẽ không lớn hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Đại dịch tấn công các nền kinh tế như một cú sốc bất ngờ chứ không phải là kết quả của một vấn đề nền tảng trong hệ thống cần phải được sửa chữa. Việc nền kinh tế quay trở lại gần nhất có thể mức trước đại dịch là điều đáng mừng.

Thứ hai, các nền kinh tế tiên tiến có thể thích ứng tốt hơn nhiều với các hạn chế do đại dịch, ít nhất là so với khi xảy ra làn sóng lây nhiễm đầu tiên.

Ví dụ, nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã giảm 14,6% trong hai quý đầu năm 2020, nhưng chỉ giảm 0,9% trong 6 tháng khi làn sóng lây nhiễm thứ hai bùng phát. Đối với các nền kinh tế tiên tiến, điều này đã cho phép các chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế mà không quá lo sợ thiệt hại kinh tế như khi đại dịch COVID-19 mới xảy ra.

Vaccine có hiệu quả là thông tin tích cực thứ ba đối với "sức khỏe" của nền kinh tế toàn cầu. Vaccine làm gia tăng triển vọng rằng mọi người có thể sống cuộc sống bình thường mà không lo sợ rằng những hạn chế đi lại nghiêm ngặt sẽ kéo dài vĩnh viễn.

Tuy nhiên, một tin xấu là khả năng lây nhiễm tăng cao của biến thể Delta làm cho các biện pháp phong tỏa trở nên kém hiệu quả hơn đối với việc kiểm soát loại virus này trong dài hạn.

Những khó khăn của châu Á và Australia trong việc ngăn chặn số ca nhiễm gia tăng, mặc dù đã tiến hành phong tỏa thành công trong các đợt bùng phát dịch trước đây, làm nổi bật khả năng gần như không thể loại bỏ hoàn toàn virus này khỏi đời sống. Thay vào đó, việc giảm số ca nhiễm hàng ngày xuống mức có thể kiểm soát là mục tiêu mới của các nước.

Để vượt qua cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế thế giới, điều quan trọng là đảm bảo sự thành công trong tiêm chủng toàn cầu. Số ca nhiễm biến thể Delta đã giảm nhanh tại Bồ Đào Nha, Hà Lan và Vương quốc Anh với tỷ lệ các ca nặng phải nhập viện hay các biện pháp hạn chế đi lại không giống như những làn sóng lây nhiễm COVID-19 trước đây.

Bà Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết vào tuần trước, các chương trình tiêm chủng không thể chỉ giới hạn ở các nước giàu. Sự phục hồi sẽ không được đảm bảo cho đến khi đại dịch bị đánh bại trên toàn cầu, và các nước có nguồn cung dư thừa sẽ chia sẻ 1 tỷ liều vaccine trong năm nay.

Bên cạnh đó, vẫn tồn tại những rủi ro lớn. Nguy cơ xuất hiện các biến thể mới và khả năng miễn dịch có thể suy giảm theo thời gian, nên có thể cần nguồn cung vaccine lớn hơn. Sự chậm trễ đối với hoạt động tiêm chủng ở nhiều quốc gia làm tăng nguy cơ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cộng động và kinh tế ngay cả khi có sẵn các loại vaccine hiệu quả.

Bất chấp những nguy hiểm này, nhìn chung thế giới đang chuyển sang giai đoạn phục hồi lâu dài sau một cuộc khủng hoảng cấp tính. Mặc dù còn đối mặt với nhiều thách thức, nhưng hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 đã cho phép chúng ta nhìn thấy con đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục