Fiji bắt đầu khắc phục hậu quả do siêu bão Winston gây ra

Các cơ quan cứu trợ cho rằng hiện chưa thể thống kê đầy đủ hậu quả của trận bão lịch sử mang tên Winston, quét qua quốc đảo Thái Bình Dương này vào đêm 20/2, với sức gió mạnh tới 300 km/h.
Fiji bắt đầu khắc phục hậu quả do siêu bão Winston gây ra ảnh 1Bão đã làm nhiều cây đổ, ảnh hưởng tới giao thông, các dịch vụ điện, nước và viễn thông cũng bị gián đoạn. (Nguồn: ABC)

Ngày 21/2, Fiji đã bắt đầu công tác thống kê thiệt hại và khắc phục hậu quả sau khi trận bão nhiệt đới mạnh nhất trong lịch sử, mang tên Winston, quét qua quốc đảo Thái Bình Dương này vào đêm 20/2, với sức gió mạnh tới 300 km/h.

Ít nhất một người đã thiệt mạng tại đảo Koro.

Các cơ quan cứu trợ cho rằng hiện chưa thể thống kê đầy đủ hậu quả của trận bão lịch sử mạnh cấp 5 - cấp cao nhất này.

Thủ tướng Vorege Bainimarama đã ban bố tình trạng thảm họa thiên tai quốc gia, có hiệu lực trong thời gian 30 ngày kể từ ngày 20/2, trong khi Chính phủ ban bố lệnh giới nghiêm từ 18 giờ (giờ địa phương ngày 20/2) để đảm bảo an toàn cho người dân.

Cơ quan khí tượng Fiji cho biết bão Winston đã chuyển hướng ra biển từ giữa buổi sáng nay (21/2), tuy nhiên, Fiji vẫn có thể phải hứng chịu gió mạnh, mưa lớn và biển động.

Bão đã làm nhiều cây đổ, ảnh hưởng tới giao thông, các dịch vụ điện, nước và viễn thông cũng bị gián đoạn.

Trước đó, mọi chuyến bay đến và đi từ Fiji đều đã bị hủy.

Nhiều ngôi làng nằm trên đường di chuyển của bão đã bị phá hủy hoàn toàn, khiến người dân bị mất nhà cửa, phải nghỉ tại các khu sơ tán tạm thời.

Thủ đô Suva đã may mắn thoát khỏi sự tàn phá của bão do bão đã đổi hướng vào phút chót, tuy nhiên, nhiều hoạt động tại thành phố này vẫn đang tê liệt.

Bà Alice Clements, nhân viên Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) làm việc tại Suva, bày tỏ đặc biệt lo ngại cho người dân tại các khu vực xa xôi hẻo lánh của quốc đảo với 300 hòn đảo lớn nhỏ này.

Theo chứng kiến của bà, nhiều ngôi nhà đã bị san phẳng, nhiều phương tiện đã bị phá hủy.

Quyền Giám đốc Văn phòng Thái Bình Dương của tổ chức Chữ thập Đỏ quốc tế, ông Ahmad Sami, cho biết ưu tiên hiện nay là khôi phục mạng lưới điện và sửa chữa những ngôi nhà bị hư hại, đồng thời duy trì nguồn cung cấp nước sạch cho hơn 700 trung tâm sơ tán.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết một đội cứu trợ khẩn cấp đã sẵn sàng lên đường và đang chờ đề nghị trợ giúp từ phía chính phủ Fiji.

Trong khi đó, cũng trong ngày 20/2, Fiji cũng hứng chịu một trận động đất khá mạnh.

Theo Cơ quan thăm dò địa chất của Mỹ, một trận động đất mạnh 5,8 độ Richter đã làm rung chuyển khu vực Fiji vào 15 giời 51 GMT ngày 20/2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục