Festival nghề truyền thống Huế: Hồi sinh, phát triển nhiều làng nghề

Festival nghề truyền thống Huế không chỉ là lễ hội tôn vinh nét “Tinh hoa nghề Việt” mà đã góp phần bảo tồn, phát triển và đưa sản phẩm làng nghề truyền thống đến với đông đảo người dân.
Festival nghề truyền thống Huế: Hồi sinh, phát triển nhiều làng nghề ảnh 1Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại lễ khai mạc Festival nghề truyền thống Huế 2023. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Trải qua 9 lần tổ chức, Festival nghề truyền thống Huế không chỉ là lễ hội tôn vinh nét “Tinh hoa nghề Việt” mà còn tác động tích cực trong việc “hồi sinh” nhiều nghề và làng nghề truyền thống.

Hoạt động này góp phần bảo tồn, phát triển và đưa sản phẩm làng nghề truyền thống đến với cuộc sống thường nhật, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hồi sinh làng nghề

Với lịch sử phát triển hơn 300 năm, làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên gắn bó với đời sống tâm linh của người dân xứ Huế.

Sản phẩm hoa giấy nơi đây thường được dùng trang trí ở những nơi trang trọng như: bàn thờ Trang Ông, Trang Bà, Am cảnh, ông Táo và hoa được thay mới một lần vào dịp Tết Nguyên đán.

Đã có thời điểm, hoa giấy không được sản xuất nhiều như trước vì thị trường có nhiều sản phẩm thay thế phong phú và bắt mắt hơn; hoa cũng chỉ sản xuất một vụ trong năm vào dịp Tết nên nhiều người trong làng đã không còn gắn bó với nghề khiến nghề có nguy cơ mai một.

Bắt đầu tham gia vào Festival nghề truyền thống Huế từ năm 2013, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên được công chúng biết đến nhiều hơn, làng nghề có cơ hội từng bước vực dậy và phát triển.

Hoa giấy không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, người làng Thanh Tiên đã cải tiến mẫu mã, làm nhiều loại hoa để đáp ứng nhu cầu trang trí nhà cửa, các khách sạn, các lễ hội Festival và xuất khẩu... Người làm hoa ở làng cũng có việc làm quanh năm.

Nghệ nhân Ưu tú Thân Văn Huy (làng nghề hoa giấy Thanh Tiên) chia sẻ qua các đợt tham gia vào Festival nghề truyền thống Huế, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên ngày càng phát triển, sản phẩm hoa giấy thanh tiên đặc biệt là hoa sen, ngày càng đẹp hơn và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Không chỉ tiêu thụ ở trong tỉnh và khu vực lân cận, sản phẩm của làng nghề đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…

Có thể khẳng định, Festival nghề truyền thống Huế đã mở ra cơ hội cho làng nghề truyền thống, nhất là làng nghề có nguy cơ bị mai một được vực dậy và phát triển.

Các nghệ nhân, người làm nghề được dịp học hỏi, tìm cách phát triển mẫu mã, tạo động lực cho các làng nghề có đột phá, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm khác phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng để nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế làng nghề truyền thống.

Tại Festival nghề truyền thống năm 2023 (diễn ra từ 28/4-5/5), không gian trưng bày các sản phẩm của cơ sở nón lá truyền thống Vân Thê (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) thu hút đông đảo du khách.

Không chỉ tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc thướt tha trong tà áo dài và chiếc nón bài thơ, nhiều du khách còn được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm những công đoạn làm nón.

Gắn bó với nghề chằm nón hơn 40 năm, bà Nguyễn Thị Mùi làng nghề truyền thống nón lá Vân Thê cho biết, sau thời gian mai một vì thị trường tiêu thụ hạn hẹp, nghề chằm nón nơi đây dần khởi sắc trở lại, được khách du lịch biết đến khi tham gia các kỳ Festival Huế và Festival nghề truyền thống Huế.

Người làm nghề không ngừng cải tiến mẫu mã, hình thành sản phẩm du lịch để quảng bá và bảo tồn giá trị nghề truyền thống cho quê hương.

Từ khi Festival nghề truyền thống Huế được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2005 đến nay, nhiều nghề và làng nghề truyền thống đã được “hồi sinh,” đặc biệt là các nghề gắn với du lịch, như: chế tác nhà rường, may đo áo dài truyền thống, thêu tranh, pháp lam, hoa giấy, nón lá, trúc chỉ…

Đồng thời, nhiều không gian quảng bá nghề truyền thống đã được hình thành, nhiều điểm đến du lịch cũng được đầu tư xây dựng, đầu tư chỉnh trang Trung tâm giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Huế.

[Festival nghề truyền thống Huế: Nơi tôn vinh giá trị tinh hoa di sản]

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế Võ Lê Nhật, các kỳ Festival nghề truyền thống Huế đã tạo cơ hội quảng bá và thương mại các sản phẩm nghề truyền thống; góp phần tích cực, có hiệu quả trong việc hồi sinh và phát triển làng nghề truyền thống và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Các nghệ nhân, người làm nghề cũng được tiếp thêm niềm đam mê sáng tạo để không ngừng cải tiến mẫu mã, hình thành sản phẩm quà tặng, lưu niệm phục vụ nhu cầu của du khách.

Festival nghề truyền thống Huế đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội, gắn các sản phẩm nghề truyền thống đến gần hơn với du lịch với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.­­­

Sáng tạo để phát triển bền vững

Festival nghề truyền thống Huế năm nay thu hút sự tham gia của hơn 350 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, bàn tay vàng đến từ 69 làng nghề, cơ sở nghề nổi tiếng trong cả nước.

Ngoài ra, còn có sự tham gia của 37 nghệ nhân đến từ 6 thành phố của Hàn Quốc và Nhật Bản có quan hệ kết nghĩa, hợp tác với thành phố Huế.

Không chỉ phát huy thương hiệu và vị thế của Huế - thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, vinh danh các làng nghề, các thế hệ nghệ nhân Festival làng nghề truyền thống Huế đã tạo cơ hội tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh cho các làng nghề, đổi mới sáng tạo các sản phẩm nghề thủ công truyền thống dựa trên nền tảng văn hóa Huế, văn hóa dân tộc.

Được hồi sinh qua các kỳ Festival nghề truyền thống Huế, sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên đã trở thành thương hiệu du lịch làng nghề, đến nay, các nghệ nhân ở làng nghề vẫn không ngừng sáng tạo để cho ra thị trường những sản phẩm đa dạng.

Ngôi làng yên bình bên ở hạ lưu sông Hương, xã Phú Mậu, thành phố Huế thường xuyên đón những đoàn du khách trong và ngoài nước về tham quan; học sinh tại các trường học trên địa bàn tỉnh cũng về đây để tìm hiểu và trải nghiệm các công đoạn làm hoa giấy.

Người làm hoa có thêm thu nhập và động lực để gắn bó, phát triển nghề truyền thống.

Nghệ nhân Ưu tú Thân Văn Huy cho biết, các nghệ nhân trong làng luôn cố gắng sáng tạo ra thêm những mẫu mã mới để phát triển hơn nữa sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên, đặc biệt là hoa sen giấy.

Thời gian gần đây, nghệ nhân còn sáng tạo ra dòng tranh hoa giấy Thanh Tiên bừng cách kết hợp tranh vẽ, tranh sơn dầu cùng hoa giấy. Những bức tranh được kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đã được công chúng đón nhận và đánh giá cao.

Festival nghề truyền thống Huế: Hồi sinh, phát triển nhiều làng nghề ảnh 2Các nghệ nhân trình diễn kỹ thuật se chỉ, dệt lụa và thổ cẩm truyền thống. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Festival nghề truyền thống Huế đã giúp nghề dệt zèng của đồng bào Tà Ôi đến gần hơn với công chúng, du khách trong và ngoài nước.

Năm 2017, nghề dệt zèng nơi đây đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo bà Mai Thị Hợp (huyện A Lưới), để bảo tồn và phát triển nghề, chúng tôi không chỉ làm những sản phẩm truyền thống mà còn sáng tạo thêm nhiều mẫu mã đáp ứng nhu cầu của khách hàng như túi xách, áo dài, váy, khăn, phụ kiện làm đẹp…

Bên cạnh đó, việc dạy nghề, truyền nghề cho thế hệ trẻ cũng được chú trọng nhằm duy trì và phát triển truyền thống của địa phương.

Phát triển du lịch làng nghề

Với truyền thống hơn 700 năm, làng nghề hương trầm Thủy Xuân, nằm trên trục đường Huyền Trân Công Chúa, thành phố Huế đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn trong hành trình khám phá cố đô Huế.

Được công nhận là nghề truyền thống vào cuối năm 2021, người dân làng nghề đã khai thác tiềm năng, lợi thế vừa làm hương vừa kết hợp làm du lịch trải nghiệm tạo cơ hội để quảng bá sản phẩm làng nghề.

Theo ông Hồ Ngọc Thứ, làng nghề hương trầm Thủy Xuân, thời gian gần đây, các hộ dân làm hương đã chủ động sắp đặt các không gian, tiểu cảnh đa sắc màu từ những bó chân hương, cho thuê áo dài, nón lá… để thu hút khách du lịch đến với làng nghề.

Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách tham quan, chụp hình lưu niệm các nghệ nhân trong làng còn trực tiếp trình diễn các kỹ thuật để làm ra các sản phẩm đặc trưng của làng nghề như hương trầm, hương nụ,… để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, cũng như bảo tồn nghề truyền thống mà cha ông để lại.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có 86 làng nghề, 57 nghề truyền thống hoạt động riêng lẻ, được phân bố trên 123 địa điểm có nghề hoạt động theo địa bàn cấp huyện, với đông đảo đội ngũ thợ thủ công lành nghề, tài hoa.

Để bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề truyền thống, thời gian qua tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành nhiều chính sách về việc hỗ trợ về tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất, đào tạo nghề, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… nhằm ưu tiên phát triển nghề và làng nghề gắn với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tỉnh cũng tập trung phát triển làng nghề gắn với chương trình OCOP; đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề.

Festival nghề truyền thống Huế: Hồi sinh, phát triển nhiều làng nghề ảnh 3Không gian làng nghề thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phúc cho biết Sở đang tiến hành khai thực hiện quy hoạch nghề và làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, trong đó, chú trọng đến việc số hóa các thông tin, dữ liệu về địa điểm, lịch sử hình thành và các sản phẩm của các làng nghề truyền thống.

Bên cạnh đó, Sở làm việc với các doanh nghiệp để giúp sản phẩm làng nghề thương mại hóa và tiếp cận với các thị trường tốt hơn; hình thành các tour, tuyến du lịch tham quan, trải nghiệm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề truyền thống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục