Festival hoa Đà Lạt 2019: 'Lung linh đêm hội B’lao'

Tuần văn hóa trà và tơ lụa Bảo Lộc-Lâm Đồng nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch, phát triển ngành nghề sản xuất trà và tơ lụa trên địa bàn thành phố Bảo Lộc.
Rất nhiều du khách yêu thích sản phẩm tơ lụa. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Tối 21/12, tại Quảng trường 28/3 (thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), đã khai mạc Tuần văn hóa trà và tơ lụa Bảo Lộc - Lâm Đồng năm 2019.

Với chủ đề “Lung linh đêm hội B’lao” đêm khai mạc có nhiều tiết mục nghệ thuật mang đậm bản sắc Tây Nguyên và nét văn hóa của vùng trà B’Lao; phần hoạt cảnh mô phỏng nét đặc trưng của thành phố tơ lụa - trà trên đất cao nguyên, cuộc sống lao động của người làm trà cũng như phong cách người B’Lao hiền hòa, thân thiện.

Đây là một sự kiện văn hóa ngành nghề truyền thống của tỉnh, nằm trong tổng thể Chương trình Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VIII năm 2019. 

Tuần văn hóa trà và tơ lụa Bảo Lộc-Lâm Đồng nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch, phát triển ngành nghề sản xuất trà và tơ lụa trên địa bàn thành phố Bảo Lộc.

Bên cạnh đó, sự kiện này cũng tạo cơ hội để những người trồng, sản xuất, kinh doanh trà, tơ lụa được giao lưu, trao đổi, phát triển ngành nghề, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh về vùng đất và con người xứ trà B’Lao và tơ lụa Bảo Lộc.

Đặc biệt, đây cũng là dịp không chỉ tôn vinh các giá trị về trà, tơ lụa, nghề trồng trà và người trồng chế biến trà mà còn có tác động thiết thực trong việc phát triển ngành sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu trà và tơ lụa của thành phố Bảo Lộc, của tỉnh Lâm Đồng, cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần thu hút du khách, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Điểm nhấn của chương trình là Lễ tôn vinh biểu dương 11 doanh nghiệp trà và tơ lụa tiêu biểu và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho các doanh nghiệp trà và tơ lụa tiêu biểu nói trên.

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, ông Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, nhấn mạnh thành phố Bảo Lộc đang trên đà phát triển với khát vọng để hương trà bay xa, sắc tơ lan tỏa, đóng góp xứng đáng hơn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Thành phố Bảo Lộc với điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp cho việc trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, trồng chè và chế biến trà, đã gắn bó với người dân thành phố nói riêng và các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng nói chung.

Các sản phẩm tơ lụa và trà của vùng đất B’Lao - Bảo Lộc đã từng bước khẳng định trên thị trường trong nước và thế giới.

Rất nhiều du khách yêu thích sản phẩm tơ lụa. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Hiện Bảo Lộc được biết đến là thủ phủ  chè với diện tích trên 2.890 ha, với sản lượng hơn 32.290 tấn/năm; diện tích chè ô long chất lượng cao đạt 116 ha; 195 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến kinh doanh trà.

Năm 2019, giá trị xuất khẩu sản phẩm trà sang thị trường các nước đạt khoảng 15 triệu đô la Mỹ. Đến nay, thành phố Bảo Lộc có 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tơ tằm, trong đó có 9 doanh nghiệp ươm tơ, 11 doanh nghiệp dệt, một doanh nghiệp in, chải, nhuộm.

Mỗi năm, thành phố này sản xuất khoảng 1.000 tấn tơ các loại, chiếm 75-80% sản lượng tơ toàn tỉnh; sản lượng lụa dệt được khoảng 3-4 triệu m2/năm, chiếm 100% sản lượng lụa toàn tỉnh.

Sản phẩm tơ lụa có nguồn gốc Bảo Lộc được khẳng định ở trong nước và trên thị trường quốc tế, chiếm trên 80% sản lượng toàn quốc; kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 16-18 triệu USD.

Có thể nói, ngành sản xuất, kinh doanh, trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa và trồng, chế biến trà đã góp phần vào sự phát triển chung của thành phố Bảo Lộc nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung; cây chè và cây dâu đã và đang tiếp tục là cây trồng, là ngành nghề quan trọng đối với ngành nông nghiệp, chế biến của tỉnh Lâm Đồng.

Theo ông Đoàn Kim Đình, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Bảo Lộc, Tuần văn hóa trà và tơ lụa Bảo Lộc-Lâm Đồng năm 2019 thực sự là Ngày hội của những người trồng chè và chế biến trà, trồng dâu và dệt lụa; động lực thúc đẩy ngành chè và tơ lụa Lâm Đồng không ngừng phát triển, xứng đáng là danh trà của vùng đất phương Nam Tổ quốc, là thủ phủ của ngành dâu tằm tơ Việt Nam.

Đồng thời, sự kiện này cũng tạo cơ hội để thu hút mời gọi đầu tư vào các dự án, khu dự án dịch vụ-thương mại, công nghiệp của thành phố Bảo Lộc trong thời gian tới. 

Sáng cùng ngày, nằm trong chương trình Tuần Văn hóa trà và tơ lụa Bảo Lộc-Lâm Đồng năm 2019, tại nông trường chè Tâm Châu (Thôn 4, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm), cũng diễn ra vòng chung kết Hội thi hái trà “Bàn tay vàng - búp chè non”./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục