Tối 12/10, Festival âm nhạc Á-Âu lần thứ 2 và Festival - Hội nghị Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 34 chính thức khai mạc tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.
Tại lễ khai mạc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, Festival lần này là sự kết hợp giữa nền âm nhạc của hai khu vực với những sáng tác của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng.
Đây là cơ hội thuận lợi để giới thiệu thành tựu của nền âm nhạc cách mạng, âm nhạc mới của Việt Nam, quảng bá những tác phẩm của các nhạc sỹ Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Đồng thời, đây cũng là dịp để các nghệ sỹ, nhạc sỹ nước ngoài giới thiệu tác phẩm âm nhạc đương đại, những xu hướng phát triển của âm nhạc các nước Á-Âu, giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước, con người, nền văn hóa lâu đời của Việt Nam, góp phần thắt chặt quan hệ tốt đẹp giữa các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.
Tham dự sự kiện âm nhạc lớn này, các đại biểu được thưởng thức chương trình hòa nhạc giao hưởng đặc sắc với sự trình diễn của các nghệ sỹ, nhạc sỹ đến từ Tatarstan, Nhật Bản, Hong Kong, Singapore... và Việt Nam.
Festival âm nhạc Á-Âu lần thứ 2 và Festival - Hội nghị Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 34 gồm chuỗi chương trình hòa nhạc, từ giao hưởng, thính phòng, nhạc kịch, vũ kịch đến ca khúc đại chúng.
Với chủ đề “Âm nhạc-Hội tụ và lan tỏa,” Festival mong muốn giới thiệu những sáng tác mới của các nhạc sỹ tiêu biểu cho các trường phái âm nhạc đương đại thế giới trong những năm gần đây.
Tham dự Festival lần này có gần 200 nghệ sỹ, nhạc sỹ đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ như Anh, Ba Lan, Canada, Colombia, Đài Loan, Đức, Hong Kong, Pháp, Australia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ...
Festival lần này huy động đông đảo các nghệ sỹ chuyên nghiệp trong lĩnh vực âm nhạc giao hưởng, hợp xướng, thính phòng của Việt Nam, thế giới bao gồm: Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, tam tấu đến từ Moskva, song tấu Violin-Piano đến từ Tây Ban Nha cùng các nghệ sỹ nổi tiếng như nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Thiếu Hoa (chỉ huy), nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Thế Dân (đàn Nhị), nghệ sỹ ưu tú Bùi Công Duy (Violin)...
Festival được tổ chức từ ngày 12-18/10 tại thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc gồm 11 buổi hòa nhạc chính, trong đó có hơn 100 tiết mục chọn lọc. Bên cạnh đó còn có hai cuộc tọa đàm với chủ đề “Giao lưu âm nhạc mới giữa các nước Á-Âu” và “Cây đàn bầu Việt Nam”; tham quan Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, các địa danh nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Phúc.
Lễ bế mạc, trao giải thưởng và chương trình hòa nhạc giao hưởng, hợp xướng diễn ra lúc 20 giờ ngày 18/10 tại Phòng hòa nhạc lớn, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. /.