Fed tuyên bố tiếp tục theo đuổi gói cứu trợ thứ ba

Với nhận định khủng hoảng ngân hàng ở Síp không là nguy cơ đe dọa kinh tế Mỹ, Fed tuyên bố tiếp tục theo đuổi gói cứu trợ thứ ba.
Sau nhiều ngày lo ngại về nguy cơ một cuộc khủng hoảng mới bùng nổ tại châu Âu, ngày 20/3, các nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Mỹ đã phần nào an tâm khi Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhận định cuộc khủng hoảng ngân hàng tại đảo Síp không phải là nguy cơ đe dọa lớn đối với nền kinh tế Mỹ.

Các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường New York cũng đã tăng giá nhẹ sau ba ngày liên tục giảm khi Fed tuyên bố tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn thông báo của Fed, khẳng định kinh tế Mỹ bị chững lại trong quý cuối cùng của năm ngoái nhưng hiện đang trở lại con đường tăng trưởng, dù tốc độ vẫn còn khiêm tốn, do vậy cần phải được tiếp tục hỗ trợ.

Với nhận định này, Fed tuyên bố tiếp tục theo đuổi gói cứu trợ thứ ba (QE-3), bắt đầu triển khai từ cuối năm ngoái, theo đó mỗi tháng chi trung bình 85 tỷ USD để mua lại những trái phiếu có liên quan tới thế chấp nhằm giữ tỷ lệ các khoản vay ở mức thấp để kích thích đầu tư.

Phát biểu trong cuộc họp báo kết thúc cuộc họp 2 ngày, Chủ tịch Fed, ông Ben Bernanke, cho biết kinh tế Mỹ hiện đã trở lại đà phục hồi với các biểu hiện cụ thể là lĩnh vực kinh doanh nhà đất tiếp tục khởi sắc, số việc làm được tạo ra nhiều hơn, chỉ số chứng khoán tăng liên tục lên mức cao kỷ lục và chi tiêu của người tiêu dùng cao hơn...

Tuy nhiên, do vẫn còn nhiều khó khăn, Fed đã hạ mức dự đoán tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong năm nay từ 2,3%-3,0% xuống 2,3-2,8%.

Năm tới, kinh tế Mỹ dự báo sẽ tăng trưởng ấn tượng hơn với GDP tăng từ 2,9% - 3,5%.

Một nguyên nhân Fed tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ và hạ thấp tốc độ tăng GDP trong năm nay là do tỷ lệ thất nghiệp tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao khó chấp nhận.

Tỷ lệ công nhân Mỹ bị thất nghiệp trong tháng Hai vừa qua đã giảm từ 7,9% xuống 7,7% và trong quý cuối cùng của năm nay dự kiến vẫn ở mức 7,3% đến 7,5%.

Trong khi đó, Fed từng tuyên bố cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 6,5% mới bắt đầu tính tới chuyện thay đổi chính sách tỷ lệ lãi suất thấp gần như bằng 0 theo đuổi suốt từ năm 2008 tới nay.

Ngay sau những nhận định và tuyên bố của Fed, các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường New York như Dow Jones, Nasdaq và Standard & Poor 500, sau ba ngày liên tiếp giảm, đã tăng giá trở lại với các mức tương đương 0,39%, 0,78% và 0,67%.

Với 10 ngày liên tiếp tăng trong tuần trước, chỉ số Dow Jones từ đầu năm tới nay đã tăng tổng cộng 10,7% trong khi Standard & Poor 500 tăng 9,3%./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục