Fed tiếp tục duy trì lãi suất siêu thấp nhằm thúc đẩy kinh tế

Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ đã nhất trí tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất cơ bản ở mức siêu thấp từ 0 - 0,25% nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau khi đã chấm dứt toàn bộ chương trình cứu trợ QE-3.
Fed tiếp tục duy trì lãi suất siêu thấp nhằm thúc đẩy kinh tế ảnh 1Chủ tịch Fed Janet Yellen phát biểu trong phiên họp ngày 17/12/2014. (Nguồn: Getty)

Kết thúc cuộc họp cuối cùng kéo dài hai ngày của năm 2014, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nhất trí tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất cơ bản ở mức siêu thấp từ 0 - 0,25% nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau khi đã chấm dứt toàn bộ chương trình cứu trợ QE-3 hồi tháng 10.

Trong báo cáo đưa ra ngày 17/12, Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan thiết lập chính sách tỷ lệ lãi suất của Fed, cho biết hầu hết các thành viên đều nhất trí cho rằng kinh tế Mỹ thời gian qua ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực như tỷ lệ thất nghiệp giảm và chi tiêu tiêu dùng tăng.

Do đó, FOMC sẽ chưa vội nâng lãi suất cơ bản ít nhất đến giữa năm 2015.

Báo cáo của FOMC cũng dự báo nền kinh tế đầu tàu thế giới trong năm 2015 tiếp tục tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng trưởng đạt 2,6- 3,0%, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 5,2% và lạm phát từ 1,0 - 1,6%.

Theo Fed, tỷ lệ lạm phát cơ bản (đã loại trừ một số mặt hàng dễ biến động giá như lương thực và năng lượng) chỉ tạm thời giảm trong năm 2015 và sẽ chạm mức 2% vào cuối năm 2016 như mục tiêu đã đề ra.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Janet Yellen nhấn mạnh quyết định trên phù hợp với cam kết trước đây của cơ quan này về việc "duy trì chính sách lãi suất thấp trong một thời gian nhất định."

Tuy nhiên, bà Yellen vẫn để ngỏ khả năng Fed sẽ điều chỉnh tỷ lệ lãi suất "bất cứ lúc nào" một khi kinh tế tăng trưởng vững chắc và tỷ lệ lạm phát ổn định.

Cũng theo người đứng đầu Fed, việc giá dầu thế giới giảm mạnh là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế Mỹ khi giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí và tăng mạnh chi tiêu.

Bà Yellen nhận định dù giá dầu lao dốc tác động nặng nề đến kinh tế Nga và khiến đồng Ruble mất giá, nhưng cuộc khủng hoảng tiền tệ tại nước này không ảnh hưởng quá lớn đến nền kinh tế lớn nhất thế giới vì mối quan hệ Mỹ - Nga "tương đối lỏng lẻo./."

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục