Sau giai đoạn 2022 tăng lãi suất như vũ bão, với 6 lần liên tiếp tăng ở mức 0,75 điểm phần trăm, trong lần tăng lãi suất đầu tiên của năm 2023 hôm 1/2, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chỉ tăng 0,25 điểm phần trăm, qua đó đưa lãi suất cơ bản lên biên độ 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Giới chuyên gia và dư luận tại Mỹ đánh giá động thái này của Fed phát đi tín hiệu về sự điều chỉnh trong chính sách tiền tệ của mình, theo hướng từng bước siết lại dòng tiền, nhưng vẫn đảm bảo công cụ đủ mạnh để kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là một cú đảo chiều chính sách quan trọng kể từ khi Fed triển khai nỗ lực chống lạm phát bằng cách tăng chi phí cho vay.
Việc Fed “ghì phanh” lãi suất sau 7 lần liên tiếp tăng mạnh trong vòng chỉ 1 năm là bước đi phù hợp trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế Mỹ đã phần nào vượt qua được bóng ma đại dịch COVID-19, đang phát đi những tín hiệu khởi sắc như trên thị trường lao động, thị trường nhà đất và tiêu dùng, đồng thời sức ép lạm phát cũng không còn căng thẳng như cách đây 1 năm.
Theo tờ Thời báo New York, quyết định tăng lãi suất lần này của Fed đã nhận được phản ứng tích cực từ giới đầu tư cũng như thị trường. Hầu hết các mã chứng khoán lớn đều tăng điểm và khối lượng giao dịch. Trong phiên giao dịch ngày 2/2 (theo giờ Mỹ), chỉ số S&P 500 tăng 1% lên mức hơn 4.119 điểm; Chỉ số Nasdaq Composite tăng vọt thêm 2% lên 11.816,32 điểm; Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng tăng 6,92 điểm.
Trong khi đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm theo tháng liên tục kể từ tháng 6/2022 và neo ở mức 6,5%. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), vốn là một trong những thước đo lạm phát ưa thích nhất của Fed, cũng giảm xuống 5% tính theo năm.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia phản ứng thận trọng hơn trước động thái này của Fed. Bà Karen Dynan, nhà kinh tế học của Đại học Harvard và từng phục sự trong chính phủ của cựu Tổng thống Barack Obama, bày tỏ lo lắng khi thấy các thị trường đang phản ứng dựa nhiều vào kỳ vọng, thay vì các số liệu thực tế.
Lãi suất cao hơn đồng nghĩa với việc dòng vốn sẽ eo hẹp hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến các chi phí đi vay khác của toàn bộ nền kinh tế, như lãi suất thế chấp, lãi suất thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô. Fed tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát, song cũng đi kèm với nguy cơ tạo ra thêm rào cản và làm giảm tốc tăng trưởng.
Fed tăng lãi suất nghĩa là đồng USD tăng giá so với đồng nội tệ của các nước khác. Lãi suất đồng USD tăng cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại rủi ro và thoái vốn khỏi các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác để phòng tránh rủi ro và hưởng lãi suất cao. Điều này sẽ gây ra những xáo trộn lớn cho kinh tế thế giới và tạo thêm nhiều áp lực cho các nền kinh tế qui mô nhỏ hơn.
[[Infographics] Fed tăng lãi suất cơ bản mức cao nhất từ tháng 10/2007]
Việc Fed tăng lãi suất không chỉ tác động tới thị trường ngân hàng, tài chính và đời sống người dân Mỹ, mà còn ảnh hưởng nền kinh tế thế giới và chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước. Fed siết chặt chính sách tiền tệ có thể sẽ châm ngòi cho một đợt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, khiến giá cả hàng hóa - dịch vụ thêm đắt đỏ, nguồn vốn bị thắt chặt, chi phí đầu tư tăng lên và về tổng quan có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế thế giới.
Thực tế cho thấy sau khi Fed thông báo tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất ngày 1/2, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng quyết định tăng lãi suất cơ bản tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thêm 0,5 điểm phần trăm. Đây là lần tăng lãi suất thứ năm liên tiếp của ngân hàng này. Ba loại lãi suất chính của ECB là lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi nay tăng lần lượt lên mức 3%, 3,25% và 2,5%. Tại “xứ sở sương mù”, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) ngày 2/2 thông báo tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, lên mức 4%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp của BoE.
Fed vừa thực hiện một cú đảo chiều chính sách, xuất phát từ việc đánh giá lạm phát đang hạ nhiệt và nền kinh tế Mỹ đã đi qua giai đoạn ảm đạm nhất thời hậu COVID-19. Fed đang tính tới cái mà cơ quan này gọi là “hạ cánh mềm”, hàm ý muốn đưa lạm phát về dưới ngưỡng 2%, không gây khó cho nền kinh tế, đồng thời tránh được một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Trong bối cảnh ấy, nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục có thêm một vài đợt tăng nhẹ lãi suất nữa trong năm 2023. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng biên độ lãi suất 5-5,25% là ngưỡng phù hợp của kinh tế Mỹ hiện nay.
Tuy nhiên, theo Giáo sư kinh tế Kristin Forbes, chuyên gia hàng đầu tại Viện Công nghệ Massachusetts và là cựu thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh, Fed nên tập trung hơn nữa cho chặng đường phía trước và tới thời điểm này các tín hiệu là chưa đủ để khẳng định lạm phát sẽ giảm sâu về mức 2% như kỳ vọng của Fed. Bản thân ông Jerome Powell cũng khẳng định khó khăn còn ở phía trước và “hiện còn quá sớm để ăn mừng.”
Và có lẽ, sau cú “bẻ lái” chính sách tiền tệ mới nhất, các quan chức Fed cần phải tiếp tục đánh giá hiệu quả của cuộc chiến chống lạm phát và nghe ngóng phản ứng của các thị trường trước khi đưa ra bước đi tiếp theo trong cuộc họp sắp tới của Fed vào tháng 3./.