Fed liệu sẽ mở rộng chương trình cứu trợ bất chấp rủi ro?

Hiện nhiều nhà lập pháp đang yêu cầu Fed mở rộng chương trình cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn, bằng cách cho phép các công ty thế chấp tài sản thương hiệu.
Người dân mua sắm tại cửa hàng của Tập đoàn Macy ở New York, Mỹ ngày 22/6/2020, khi lệnh mở cửa trở lại bước vào giai đoạn mới. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang chịu những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) đang phải cân nhắc khả năng có nên kéo dài chương trình cho vay khẩn cấp, mà có thể mang lại nhiều rủi ro ngân sách chính phủ.

Nền kinh tế vẫn đang phục hồi chậm chạp với nhiều biến số không chắc chắn do ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh. Số lượng công nhân bị sa thải và đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đã vượt quá 14,5 triệu người.

Hiện nhiều nhà lập pháp đang yêu cầu Fed mở rộng chương trình cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn, bằng cách cho phép các công ty thế chấp tài sản thương hiệu.

Các khách sạn và trung tâm mua sắm bị ảnh hưởng nặng nề có thể sẽ phải đóng cửa, khiến thêm nhiều người mất việc làm và gây thiệt hại lớn cho các địa phương trên khắp cả nước.

Van Taylor, thành viên Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa, cho rằng không hành động sẽ là “thảm họa cho người đóng thuế, người lao động và cộng đồng.”

Theo ông, mục tiêu của các chương trình này là “cứu” công việc của những người nhân viên dọn phòng, giám sát ca làm việc và những nhân viên khác ở khách sạn.

Fed đã công bố chương trình Main Street vào đầu tháng Tư như là một phần trong loạt chương trình tín dụng trị giá tới 2.300 tỷ USD để đảm bảo rằng các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế như sản xuất và lắp ráp ôtô, tin học, công nghệ, cơ khí chế tạo..., hộ gia đình, chính quyền bang và địa phương có thể tiếp tục vay giữa lúc nền kinh tế bị đóng cửa vì đại dịch.

Chương trình cho vay doanh nghiệp Main Street dành cho những doanh nghiệp có quy mô tối đa 15.000 nhân viên, doanh thu hàng năm 5 tỷ USD và đảm bảo có khả năng thanh toán trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng dịch COVID-19.

[Giới chức FED cảnh báo kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái kép]

Theo chương trình này, các ngân hàng sẽ cho các doanh nghiệp vay, sau đó Fed mua lại các khoản vay này từ họ. Động thái này làm giảm rủi ro tín dụng cho giới ngân hàng, đồng thời “giải phóng” nhiều vốn hơn để tạo ra nhiều khoản vay hơn.

Fed cho biết sẽ mua 95% các khoản vay dành cho các công ty có khoản nợ cao, tăng từ mức 85% trước đó. Đối với những người đi vay có mức nợ thấp, Fed vẫn giữ mức mua lại 95% khoản vay như trước đó.

Những doanh nghiệp hưởng lợi từ chương trình cho vay tới 600 tỷ USD này phải đáp ứng các quy định mà quốc hội yêu cầu theo khuôn khổ Đạo luật Hỗ trợ, cứu trợ và an ninh kinh tế (CARES) - một gói ngân sách hỗ trợ chống đại dịch COVID-19 trị giá 2.200 tỷ USD.

Trụ sở Cục dự trữ liên bang Mỹ ở Washington DC., ngày 29/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Nằm trong diện được hưởng gói cứu trợ này là những doanh nghiệp không thể trả cổ tức hoặc mua lại cổ phiếu của chính doanh nghiệp mình trong vòng một năm kể từ khi tất toán khoản vay và phải chấp nhận một số hạn chế đối với việc trả lương cho ban lãnh đạo.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhận định chương trình cho vay của Fed được đưa ra nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận vốn tín dụng để vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.

Tuy nhiên, phần lớn trong số các chương trình đó vẫn chưa được triển khai, vì Fed đã trì hoãn việc ra mắt Main Street cùng những chương trình cho vay địa phương.

Trước lời kêu gọi của một nhóm hơn 100 dân biểu Hạ viện, Chủ tịch Fed Jay Powell và Bộ trưởng Steven Mnuchin và họ đang “để ngỏ” khả năng mở rộng chương trình này cho các đối tượng doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng việc mở rộng chương trình cho vay sẽ mang lại nhiều rủi ro và chỉ có thể giúp các nhà đầu tư lớn của công ty thay vì người lao động.

Fed đang đối mặt với một tình huống “tiến thoái lưỡng nan.” Với viễn cảnh nền kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong thời gian tới, ngân hàng trung ương này phải cân đối lợi ích với những nguy cơ có thể xảy ra.

Các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh đã gây ra gián đoạn trong hoạt động kinh tế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp và việc làm của người lao động.

Thực trạng này đã đòi hỏi các nhà lập pháp đưa ra những chương trình viện trợ trích từ ngân sách liên bang với quy mô chưa từng có. Vì vậy, nếu một công ty phá sản sau khi nhận được khoản vay khẩn cấp của chính phủ và không thể hoàn trả, người nộp thuế sẽ bị thiệt hại.

Các nhà lập pháp đang thúc đẩy một cách tiếp cận khác đối với việc triển khai các khoản vay, với việc cho phép các công ty đủ điều kiện nhận khoản vay dựa trên tài sản thế chấp của công ty như tài sản thương mại, thay vì các thước đo về điều kiện tài chính và dòng tiền.

Điều kiện tài chính để công ty nhận được khoản vay là khả năng hoàn trả số tiền này sau khi cuộc khủng hoảng qua đi và nền kinh tế đã phục hồi.

Tuy nhiên, Bharat Ramamurti, thành viên của Ủy ban Giám sát của Quốc hội về việc điều chỉnh các chương trình cứu trợ do Fed quản lý, lo ngại rằng Fed có thể khó định giá chính xác tài sản (của doanh nghiệp) ngay lúc này.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin thừa nhận Chính phủ có thể mất một phần trong số tiền đã chi ra, đây là tình huống nằm trong dự đoán, trong khi cũng có những tình huống mà thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Ông Mnuchin đã tán thành những kết quả đạt được từ khoản cứu trợ 425 tỷ USD dành cho các ngân hàng và nhà sản xuất ô tô trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, dưới thời Chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush và cựu Tổng thống Barack Obama.

Trong giai đoạn đó, Chính phủ đã mua cổ phần của các công ty và hoàn lại khoản lợi nhuận 15 tỷ USD vào ngân sách vài năm sau đó khi nền kinh tế phục hồi, các công ty hoàn trả các khoản vay và giá cổ phiếu của họ tăng trở lại.

Giới quan sát nhận định, Fed có thể thực hiện các động thái “an toàn” như cung cấp khoản vay cho các công ty “thiên thần sa ngã,” cụm từ để chỉ những doanh nghiệp có tình hình tài chính vững chắc trước đại dịch, nhưng sau đó rơi vào tình trạng khan tiền trước tác động của các biện phong tỏa kinh tế để ngăn chặn dịch.

Tuy nhiên, trong trường hợp đó, ngân hàng trung ương có thể bị cáo buộc giúp đỡ các doanh nghiệp có thể tự đi vay trên thị trường tư nhân mà không cần đến viện trợ của chính phủ.

Nhưng nếu cung cấp các khoản vay rủi ro hơn, Fed có thể bị coi là đang hỗ trợ các doanh nghiệp “xác sống” (zombie) đang hoạt động lay lắt và có nguy cơ vỡ nợ. Theo luật, Fed không được phép cung cấp khoản vay cho các công ty đã mất khả năng thanh toán./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục