Biên bản cuộc họp tháng 10/2019 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa được công bố cho thấy, các quan chức đã bác bỏ ý tưởng đưa lãi suất chuẩn xuống mức âm, dù đây là điều mà Tổng thống Donald Trump nhiều lần kêu gọi thực hiện trong thời gian qua.
Hồi tháng 10/2019, Fed đã cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay, đưa mức lãi suất này xuống khoảng 1,5-1,75% và đảo ngược 4 lần tăng của năm ngoái với mục tiêu củng cố nền kinh tế đang "hạ nhiệt" cũng như cung cấp một biện pháp "bảo hiểm" trước những nguy cơ tiềm ẩn.
Biên bản nhấn mạnh, mức lãi suất hiện tại đã được điều chỉnh vừa phải để hỗ trợ tăng trưởng và có khả năng sẽ vẫn được duy trì, miễn là triển vọng nền kinh tế vẫn được giữ nguyên. Tính đến hết ngày 20/11, các thị trường đều tin vào khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất cho tới tháng 5/2020.
[Vàng thế giới vững giá sau khi Fed công bố biên bản họp thường kỳ]
Tổng thống Trump đã không ngừng công kích Fed và yêu cầu cơ quan này phải hạ lãi suất thấp hơn, thậm chí xuống mức âm. Ông Trump lập luận rằng lãi suất tương đối cao của Mỹ khiến nước này gặp bất lợi trước các đối thủ yếu hơn ở châu Âu và châu Á.
Tuy nhiên, theo các thành viên thuộc Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed, những bằng chứng về lợi ích của lãi suất âm (người cho vay phải trả tiền cho người đi vay thay vì ngược lại) đã mang lại nhiều phản ứng trái chiều tại chính những quốc gia nơi chính sách này đã được tiến hành.
Biên bản cuộc họp cho biết, tất cả những quan chức tham gia đều nhận định rằng lãi suất âm hiện tại không phải là một công cụ chính sách tiền tệ hấp dẫn ở Mỹ. Theo những quan chức này, một chính sách như vậy sẽ chỉ được áp dụng trong "phạm vi giới hạn".
Trong khi đó, chính sách này không mang lại lợi ích rõ ràng cho các quốc gia khác đã từng áp dụng và có thể dẫn đến những hậu quả không lường đối với hoạt động cho vay ngân hàng và chi tiêu hộ gia đình. Các thành viên của FOMC cũng nhấn mạnh, lãi suất âm còn có thể dẫn tới những "sự phức tạp và biến dạng đáng kể" cho hệ thống tài chính của Mỹ. Tuy nhiên, họ không loại trừ rằng có thể phát sinh tình hình khiến họ thay đổi quan điểm này.
Biên bản cũng cho thấy Fed lạc quan rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tỏ ra kiên cường trước những khó khăn toàn cầu dai dẳng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều rủi ro tiềm ẩn, trong đó có những mối nguy hiểm từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các thành viên của Fed đều tin rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ không cần thiết trong thời gian tới, qua đó hạ thấp khả năng xảy ra những thay đổi lớn đối với triển vọng lãi suất của Mỹ. Nhìn chung, nền kinh tế Mỹ vẫn đang hoạt động khá tốt, với nguy cơ suy thoái kinh tế giảm dần trong những tuần gần đây. Fed dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm nay, cao hơn một chút so với mức tiềm năng 2% mà ngân hàng này từng đưa ra.
Trong khi tăng trưởng kinh tế đã chậm lại trong năm nay, những lo ngại về việc sự yếu kém của một số ngành công nghiệp có thể lan sang toàn bộ nền kinh tế đã không xảy ra. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn quanh mức thấp nhất trong 50 năm và hoạt động chi tiêu tiêu dùng (vốn chiếm khoảng 70% hoạt động kinh tế Mỹ) vẫn không có nhiều thay đổi.
Mặc dù vậy, các quan chức Fed vẫn cảm thấy giới doanh nghiệp vẫn rất cẩn trọng về hoạt động đầu tư, trong khi xuất khẩu sẽ vẫn yếu do bất ổn thương mại và tăng trưởng toàn cầu chậm chạp./.