Fed cảnh báo nguy cơ Mỹ tiếp tục suy thoái trong năm 2021

Trong năm 2021, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ có nguy cơ giảm mạnh như năm 2020, do sẽ thêm nhiều biện pháp hạn chế được tái áp đặt.
Người dân mua hàng tại siêu thị ở Dallas, Texas, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 7/5, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh Philadelphia của Mỹ Patrick Harker cảnh báo Mỹ có thể rơi vào suy thoái lần nữa trong năm 2021, nếu nước này mở cửa kinh tế quá nhanh trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát lần nữa.

Chủ tịch Harker nêu rõ trong viễn cảnh kém lạc quan hơn, khi Mỹ mở cửa kinh tế quá nhanh và chứng kiến dịch COVID-19 quay trở lại, điều này sẽ không chỉ gây ra cuộc khủng hoảng về y tế, mà còn đảo ngược quá trình phục hồi của nước này.

Với kịch bản này, ông dự báo trong năm 2021, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ có nguy cơ giảm mạnh như năm 2020, do sẽ thêm nhiều biện pháp hạn chế được tái áp đặt.

[Phó Chủ tịch Fed cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng cao]

Trong khi đó, nếu như phần lớn nền kinh mở cửa trở lại trong tháng 6 và COVID-19 không bùng phát trở lại vào mùa Thu, ông Harker tin rằng nền kinh tế sẽ phục hồi đáng kể trong nửa cuối của năm 2020, sau khi bị giảm mạnh trong quý 2.

Tuy nhiên, mức phục hồi này sẽ không đủ đề bù đắp thiệt hại trong hai quý đầu của 2020.

Theo số liệu Bộ Thương mại Mỹ công bố vào tuần trước, GDP của Mỹ trong quý đầu năm nay đã giảm ở mức 4,8%, mức giảm mạnh nhất theo quý kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Trong bối cảnh nhiều cửa hàng, nhà máy phải đóng cửa do lệnh phong tỏa, giới chuyên gia cảnh báo gần như toàn bộ việc làm được tạo ra trong thập kỷ qua tại Mỹ đều sẽ biến mất chỉ trong tháng 4.

Công nhân chuyển hàng hóa trên đường phố tại New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong 2 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã mất tới 8,6 triệu việc làm. Trong quá trình phục hồi từ tháng 2/2010 đến tháng 2/2020, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 23 triệu việc làm.

Roiana Reid, chuyên gia Berenberg Capital Markets, dự báo nước Mỹ có thể đã mất tới 21 triệu việc làm chỉ riêng trong tháng 4, đồng thời cảnh báo đây sẽ là sự sụp đổ lớn nhất trên thị trường việc làm.

Trong khi đó, nhà kinh tế Diane Swonk của Grant Thornton lại tỏ ra bi quan hơn, khi cho rằng đã có tới 34 triệu việc làm bị mất trong tháng trước.

Dự báo này dựa trên con số 26 triệu người đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, 8 triệu người gặp khó khăn trong việc nộp đơn xin trợ cấp hoặc mất việc làm nhưng không có giấy tờ.

Dự kiến, con số chính thức về thiệt hại việc làm và tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4 sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố trong báo cáo mới nhất. Tháng 4 cũng là giai đoạn đầu tiên Mỹ áp dụng lệnh phong tỏa trong suốt cả tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục