Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 21/6 nhận định rằng các ngân hàng lớn hoạt động tại Mỹ sẽ có thể vượt qua một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng trên toàn cầu với nguồn vốn dự phòng của mình.
Theo kết quả đợt kiểm định sức chịu đựng thường niên của Fed đối với các ngân hàng, 18 thể chế tài chính lớn nhất ở Mỹ sẽ bị thua lỗ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng kinh tế trầm trọng, nhưng vẫn có đủ nguồn vốn dự phòng để duy trì hoạt động.
Phó Chủ tịch Fed Randal Quarles cho biết kết quả các bài kiểm tra lần này xác nhận rằng hệ thống tài chính của Mỹ vẫn “có sức đề kháng tốt.”
Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp đã làm đóng băng hệ thống tài chính và Chính phủ Mỹ đã phải chi hàng tỷ USD để giải cứu nhiều ngân hàng.
[Infographics] Fed quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản
Luật cải cách ngân hàng yêu cầu các thể chế này phải tăng đáng kể lượng vốn của họ, cũng như tăng cường công tác quản lý rủi ro nội bộ để tránh trường hợp Chính phủ phải tiến hành một đợt giải cứu khác.
Theo ông Quarles, các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ hiện đã mạnh hơn nhiều so với thời kỳ trước khủng hoảng và sẽ có khả năng hỗ trợ nền kinh tế kể cả sau một cú sốc nghiêm trọng.
Trong bài kiểm tra sức chịu đựng nói trên, Fed đặt các ngân hàng trước khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng trên toàn cầu, với kinh tế Mỹ giảm 8% và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên đến 10%.
Trong giả định đó, báo cáo kết quả cho thấy các khoản cho vay qua thẻ tín dụng có mức lỗ cao nhất, theo sau là các khoản cho vay thương mại và công nghiệp. Hai hạng mục cho vay này chiếm đến 44% tổng số lỗ ước tính hơn 410 tỷ USD.
Các ngân hàng tham gia bài kiểm tra của Fed chiếm khoảng 70% lượng tài sản mà tất cả các ngân hàng ở Mỹ đang nắm giữ.
Kết quả cho thấy tất cả các ngân hàng tham gia đều vượt qua bài kiểm tra, trong đó có cả chi nhánh của Deutsche Bank ở Mỹ sau khi bị "trượt" vào năm ngoái và nhiều ngân hàng khác được xét là “đỗ” có điều kiện./.