Ngày 1/5, ngân hàng First Republic Bank (FRB) đã trở thành ngân hàng lớn thứ hai của Mỹ sụp đổ, dù đã được một nhóm bao gồm 11 ngân hàng tư nhân của Mỹ gửi 30 tỷ USD.
Trong 30 tỷ USD, mỗi “ông lớn” Bank of America, Citigroup, JPMorgan Chase và Wells Fargo sẽ gửi 5 tỷ USD vào First Republic, trong khi Goldman và Morgan Stanley sẽ gửi 2,5 tỷ USD mỗi ngân hàng.
Ngoài ra, một nhóm năm ngân hàng khác, trong đó có PNC Bank và US Bank, sẽ gửi 1 tỷ USD mỗi bên.
Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) sau đó đã thu hồi tài sản của FRB và sắp xếp bán lại cho JPMorgan Chase, với hy vọng có thể khép lại cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng kéo dài hai tháng qua.
FDIC cho biết JPMorgan Chase sẽ tiếp nhận toàn bộ số tiền gửi 103,9 tỷ USD và mua lại phần lớn tài sản trị giá 229,1 tỷ USD của First Republic Bank.
Ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, cho biết Chính phủ Mỹ đã kêu gọi các "đại gia" trong ngành ngân hàng vào cuộc nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng của lĩnh vực này.
Sau đó, FDIC đã thúc đẩy các nỗ lực cải cách về bảo hiểm tiền gửi sau sự sụp đổ của ngân hàng First Republic Bank
FDIC đã đưa ra ba đề xuất gồm tăng giới hạn bảo hiểm lên mức cao hơn, loại bỏ hoàn toàn giới hạn hoặc chỉ tăng giới hạn bảo hiểm cho các tài khoản kinh doanh, vốn đang được sử dụng để trả lương cho người lao động.
Tuy nhiên, để thực hiện sự thay đổi theo các đề xuất trên, FDIC sẽ cần Quốc hội thông qua luật. Lần gần đây nhất các nhà lập pháp Mỹ tăng giới hạn bảo hiểm tiền gửi là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Trước đây, chính phủ liên bang chỉ bảo hiểm số tiền gửi từ 250.000 USD trở xuống cho mỗi khoản tiền gửi ngân hàng. Nhưng sau vụ chấn động vào tháng Ba, FDIC và Fed đã quyết định bảo hiểm cả các khoản tiền gửi trên 250.000 USD để ngăn chặn làn sóng rút tiền tại các ngân hàng khác.
Cựu Chủ tịch FDIC Sheila Blair cho biết với động thái trên, Chính phủ đã vô tình tạo ra kỳ vọng rằng bất kỳ ngân hàng nào gặp khó khăn trong tương lai, các khoản tiền gửi không được bảo hiểm vẫn sẽ được bảo vệ. Nếu lần này chính phủ không hành động tương tự, tâm lý hoảng loạn có thể lớn hơn lần trước.
[Tiền gửi giảm mạnh, cổ phiếu của First Republic Bank giảm hơn 50%]
Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg cho biết việc mở rộng bảo hiểm tiền gửi có khả năng tạo ra rủi ro về mặt nguyên tắc khi khuyến khích các ngân hàng chấp nhận rủi ro cao hơn, song các quy định và việc giám sát chặt chẽ có thể giảm bớt những lo ngại này.
Ông Gruenberg lưu ý các tài khoản thanh toán của doanh nghiệp đặt ra mối lo ngại về sự ổn định tài chính cao hơn so với các tài khoản khác, do việc không thể tiếp cận các tài khoản này có thể dẫn đến những tác động kinh tế lớn hơn. Do đó, mở rộng bảo hiểm tiền gửi cho các tài khoản doanh nghiệp có thể đáp ứng các mục tiêu cơ bản của bảo hiểm tiền gửi với chi phí thấp nhất.
Nhiều hãng tin đã dự đoán về khả năng có các gói giải cứu tiềm năng liên quan đến các ngân hàng khác. Nhưng cho đến nay First Republic Bank không có động thái nào mới. Ngân hàng này rơi vào tầm ngắm của giới quan sát sau khi ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank sụp đổ làm lên lo ngại cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ lan rộng.
Trong số các ngân hàng lớn của Mỹ, JPMorgan hiện nắm giữ hơn 10% tổng số tiền gửi trong tất cả các ngân hàng tại Mỹ. Luật liên bang cấm một ngân hàng lớn thực hiện một thương vụ mua lại vượt quá ngưỡng 10% tổng số tiền gửi.
Nhưng theo luật và diễn giải năm 1994 của một chuyên gia về phá sản ngân hàng, các cơ quan quản lý có thể miễn trừ yêu cầu này trong trường hợp ngân hàng đó mua lại một ngân hàng phá sản.
Tập đoàn Goldman Sachs và JPMorgan Chase & Co cùng chia nhau vị trí đứng đầu hạng mục cố vấn tài chính mua lại và sáp nhập (M&A) trong quý đầu tiên của năm 2023 theo kết quả tổng hợp của 2 tổ chức thông tin giao dịch Refinitiv và Dealogic công bố ngày 4/4.
Theo bảng tổng hợp của Refinitiv, trong 3 tháng đầu năm nay, giá trị các hợp đồng M&A mà JPMorgan đạt được là gần 120 tỷ USD, nhỉnh hơn chút ít so với con số hơn 115 tỷ USD của Goldman Sachs. Đây cũng là lần đầu tiên Goldman để tuột vị trí này về tay JPMorgan kể từ quý 1/2019./.