“Khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp trên 20% vào tăng trưởng GDP, chiếm trên 50% sản lượng toàn ngành công nghiệp và 70% kim ngạch xuất khẩu đồng thời tạo ra 12 triệu - 13 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp.”
Đưa ra con số dẫn chứng trên, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh, “bên cạnh những mảng ‘sáng’ vẫn có những gam màu ‘xám’ phải suy ngẫm. Trong bối cảnh mới, Việt Nam rất cần tư duy, thiết kế và xây dựng lại cả về cách nhìn nhận và cách thu hút FDI. Vấn đề cần phải có đủ bản lĩnh và hành động quyết liệt cho mục tiêu tăng trưởng chất lượng, khu vực tư nhân lớn mạnh và phát triển bền vững.”
Dòng tiền mạnh mẽ
Theo Nhóm nghiên cứu của tiến sỹ Lê Quang Thuận, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính, việc thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế cùng với quá trình mở cửa nền kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư đã hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Minh chứng, dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp đổ vào rất mạnh kể từ năm 2007 (thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO), bổ sung nguồn lực đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2007 đến tháng 11/2017, cả nước có hơn 18.000 dự án FDI đăng ký cấp phép mới, tăng 2,2 lần so với giai đoạn 1988-2006. Theo đó, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm trong giai đoạn này đạt 296,4 tỷ USD, bằng 3,8 lần so với giai đoạn trước WTO.
Riêng năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài đạt 35,88 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt17,5 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu đạt 155,24 tỷ USD, nhập khẩu 126,44 tỷ USD, tương ứng 72,6% và 59,9% kim ngạch cả nước, kết quả khối ngoại đã xuất siêu 28,8 tỷ USD.
Trên thực tế, khu vực FDI đang đóng vai trò lớn trong tổng đầu tư phát triển toàn xã hội, tỷ trọng đã tăng từ mức 14,9% (năm 2005) và 16,2% (năm 2006) lên 30,9% (năm 2008) và 23,4% (năm 2016).
Lan tỏa thấp
Hàng trăm tỷ USD cùng hàng chục nghìn dự án từ khu vực FDI đã giúp bổ sung nguồn vốn lớn cho kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên bên cạnh những mặt đạt được, tiến sỹ Lê Quang Thuận chỉ ra, các doanh nghiệp FDI chủ yếu là gia công chế biến nên tác động nâng cao trình độ công nghệ của Việt Nam là hạn chế. Các dự án FDI tập trung nhiều vào lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ, mặc dù cần vốn lớn nhưng mức độ lan tỏa công nghệ lại thấp.
Nguyên nhân của tình trạng trên, ông Thành cũng cho rằng, một số lĩnh vực sản xuất được bảo hộ quá lâu, hạn chế cạnh tranh cũng như sự tham gia trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, các công ty trong nước quy mô chủ yếu là vừa và nhỏ vì vậy khả năng tiếp nhận hiệu ứng lan tỏa từ khu vực FDI rất hạn chế
Giải quyết bài toán trên, theo ông Thành, Việt Nam cần phải dựa trên cơ sở kinh doanh bền vững, lấy tác động lan tỏa về công nghệ, kỹ năng và việc kêt nối doanh nghiệp nội tham gia vào chuỗi giá trị làm một nội dung quan trọng hàng đầu trong xúc tiến và đánh giá kết quả thu hút FDI.
Cụ thể, ông Thành đề xuất, “việc hình thành các cụm liên kết ngành là một hướng đi chính sách cần đặc biệt quan tâm, các nhân tố tạo ra sự phát triển bao gồm môi trường thể chế chuyên nghiệp và thân thiện, thu dụng nhân tài, lực lượng lao động có kỹ năng cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thuận lợi.”
Kiểm soát về môi trường
Thời gian qua, các dự án FDI sử dụng công nghệ cũ, thiếu thân thiện và vi phạm các quy định về môi trường, khiến các chuyên gia quan ngại về tình trạng doanh nghiệp nước ngoài “xuất khẩu” ô nhiễm từ các nước phát triển sang nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Ông Thành thẳng thắn “cách tiếp cận tác động của FDI của các cơ quan chức năng còn thiếu đầy đủ cộng thêm yếu tố thành tích, thuần túy chỉ nhìn vào tăng trưởng hay lợi ích cục bộ (nhóm, địa phương) đã làm trầm trọng thêm cả nguy cơ và có không ít dự án gây ra các tác động tiêu cực.”
Nhóm nghiên cứu của tiến sỹ Thuận cũng đề cập đến một thực tế khác, đó là khu vực FDI sau một vài năm chấp nhận thua lỗ đã chiếm thế ưu thế độc quyền trong một số ngành (như nước có ga, chất tẩy rửa, thức ăn gia súc… ) thậm chí đã có một số doanh nghiệp năng kiểm soát ngành, gây ra méo mó thị trường…
Ngoài ra các chuyên gia cảnh báo, các luồng vốn nước ngoài đổ vào ồ ạt cũng có thể gây ra những rủi ro. Bài học tại thời điểm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam quá lớn đã gây khó khăn cho chính sách tiền tệ, áp lực lên lạm phát khiến thị trường chứng khoán và bất động sản xảy ra tình trạng “bong bóng,” hệ lụy của nó là bất ổn kinh tế vĩ mô.
Ông Thuận chia sẻ, “việc gia nhập WTO khiến cho nền kinh tế, tài chính của một nước phụ thuộc vào những biến động thị trường của các nước khác. Do đó khi có biến động, dòng vốn FDI bị rút ra đột ngột sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định và sự phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam.”
Theo tiến sỹ Võ Trí Thành, dòng vốn bên ngoài mang lại nhiều lợi ích song có cả tác động tiêu cực, rủi ro bất ổn vĩ mô. Do đó, tính nhất quán trong chính sách kinh tế vĩ mô (giữa cung tiền, tỷ giá, lãi suất) là hết sức cần thiết, nhằm giảm thiểu yếu tố đầu cơ và nguy cơ của khủng hoảng.
Ngoài ra, ông Thành cho rằng, Chính phủ cần phải có những phản ứng chính sách thích hợp đối với sự bùng phát luồng vốn vào/ra, như gắn với chế độ tỷ giá linh hoạt, v tăng cường giám sát tài chính và phối hợp chính sách về tài khóa.
“Thêm vào đó, Việt Nam nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và những nhóm kinh tế dễ bị tổn thương, như giảm phí tổn điều chỉnh, phí tổn tuân thủ khi đẩy mạnh hội nhập (trong đào tạo, cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp lý…),” ông Thành khuyến nghị./.