Vụ xả súng kinh hoàng ở California, Mỹ đang được điều tra theo hướng "một hành động khủng bố" song chưa có bằng chứng cho thấy hai nghi can thuộc một mạng lưới lớn hơn.
Đây là tuyên bố của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hai ngày sau vụ xả súng tại thành phố San Bernardino, khiến 14 người thiệt mạng và 21 người bị thương.
Phát biểu với báo giới ngày 4/12, Giám đốc FBI James Comey cho biết cuộc điều tra cho đến nay đã phát hiện những dấu hiệu cho thấy hai nghi phạm đã bị kích động bởi các tổ chức khủng bố nước ngoài. Tuy nhiên, chưa chứng minh được khả năng hai đối tượng này thuộc một tổ chức khủng bố.
Trước đó cùng ngày, Trợ lý Giám đốc FBI David Bowdich thông báo với số lượng lớn các bằng chứng thu thập được, FBI đã quyết định coi đây là một hành động khủng bố để điều tra. Ông Bowdich khẳng định đã phát hiện các bằng chứng cho thấy vụ xả súng là một kế hoạch dài hạn.
Theo ông Bowdich, các nhà điều tra đã kiểm tra các bình luận được đăng trên trang mạng xã hội Facebook của nữ nghi can 27 tuổi người Pakistan, Tashfeen Malik, phát hiện đối tượng này đã từng thề trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi trong khoảng thời gian trước vụ tấn công.
Trước đó, giới chức tình báo Mỹ cho biết nghi can Syed Farook, chồng của Malik, cũng từng liên lạc với lực lượng Hồi giáo cực đoan trên mạng xã hội vài năm trước. Ông Bowdich nói rằng hai đối tượng này cũng đã định xóa hết các bằng chứng sau vụ xả súng và có thể đã chuẩn bị cho những vụ tấn công khác.
Truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức khác cho rằng chưa có bằng chứng IS đã ra lệnh cho Malik và Farook thực hiện vụ tấn công, mà khả năng cao là hai đối tượng này đã bị kích động bởi chiến dịch tuyên truyền của IS.
Vụ xả súng xảy ra ngày 2/12 tại trung tâm đào tạo người khuyết tật tại thành phố San Bernardino, thuộc tiểu bang California đã làm ít nhất 14 người thiệt mạng, trong đó có một người gốc Việt, và 21 người khác bị thương. Hai kẻ xả súng đã chạy trốn và bị cảnh sát tiêu diệt trong một vụ đấu súng trên đại lộ San Bernardino.
Sau vụ việc, cảnh sát phát hiện Farook và Malik sở hữu một kho vũ khí lớn hàng nghìn băng đạn cùng thuốc nổ mà không hề bị để ý.
Dù FBI đang điều tra hơn 900 công dân Mỹ nghi ngờ có liên hệ với các nhóm Hồi giáo cực đoan song hai cái tên này chưa từng xuất hiện trong danh sách. Theo giới phân tích, những vấn đề đó làm dấy lên câu hỏi về tính hiệu quả của các chương trình do thám lớn của Mỹ nhằm ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố kiểu "sói đơn độc"./.