Fatah đề nghị Hamas tham gia chính phủ đoàn kết dân tộc

Trưởng đoàn hòa giải Fatah, ông Azzam al-Ahmad đã gọi điện cho lãnh đạo chính quyền Hamas tại Dải Gaza, ông Ismail Haniyeh đề xuất về việc tham gia chính phủ đoàn kết dân tộc.
Người Palestine kêu gọi hòa giải giữa hai phong trào Fatah và Hamas. (Nguồn: theatlanticpost)

Ngày 8/1, phát ngôn viên của phong trào Fatah tại Palestine, ông al-Qawasmeh cho biết nhóm hòa giải của phong trào này đã đề xuất với phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas tham gia chính phủ đoàn kết dân tộc.

Theo đề xuất trên, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas sẽ ấn định thời điểm tiến hành các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội.

Trưởng đoàn hòa giải Fatah, ông Azzam al-Ahmad đã gọi điện thông báo đề xuất này với lãnh đạo chính quyền Hamas tại Dải Gaza, ông Ismail Haniyeh, theo chỉ đạo của Tổng thống Abbas.

Ông Haniyeh đã yêu cầu có thêm thời gian để thảo luận đề xuất này với các quan chức Hamas khác, trong khi nhà đàm phán Palestine al-Ahmad đang thu xếp thăm Gaza để gặp giới lãnh đạo Hamas.

Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Hamas trả tự do cho bảy tù nhân Fatah bị giam giữ vì "những lý do an ninh." Khoảng 20 thành viên Fatah hiện vẫn bị giam giữ tại Dải Gaza.

Sự chia rẽ giữa hai phái của Palestine bắt đầu từ năm 2006, sau khi Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội. Các cuộc đụng độ trong năm tiếp theo đã dẫn đến việc Hamas kiểm soát Dải Gaza và Fatah kiểm soát các phần đất thuộc Bờ Tây bị chiếm đóng.

Cùng ngày 8/1, Tổng thống Palestine Abbas đã thảo luận với Quốc vương Jordan Abdullah II về các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông, trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không đạt được đột phá nào trong chuyến thăm khu vực này mới đây nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình.

Sau cuộc thảo luận với Quốc vương Jordan, Tổng thống Abbas cho biết hai bên tập trung trao đổi quan điểm thống nhất giữa Jordan và Palestine về sáng kiến của ông Kerry, theo đó giới chức Palestine sẽ tiếp tục gặp các phụ tá của Ngoại trưởng Mỹ để đi đến nhất trí về một thỏa thuận khung cho các cuộc đàm phán cuối cùng.

Về phần mình, Quốc vương Abdullah tái khẳng định sự ủng hộ đối với các quyền chính đáng của Palestine, đồng thời nhấn mạnh những mối quan tâm chiến lược của Jordan luôn được ưu tiên hàng đầu.

Trước đó, ngày 7/1, Thủ tướng Jordan Abdullah Ensour đã khẳng định Jordan sẽ không chấp nhận bất kỳ giải pháp nào đối với xung đột tại Trung Đông mà khiến nước này phải thỏa hiệp những lợi ích chiến lược. Theo đó, Jordan phải là một phần của bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào, đặc biệt liên quan đến vấn đề biên giới và người tị nạn Palestine.

Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã rời khu vực ngày 6/1 sau bốn ngày thảo luận căng thẳng với các nhà lãnh đạo Israel và Chính quyền Palestine, song không đạt được thỏa thuận khung để thúc đẩy các cuộc thương lượng. Truyền thông Israel cho biết ông Kerry sẽ quay trở lại khu vực trong tuần tới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục