Ngày 4/11, Quần đảo Faroe đã gửi yêu cầu tham vấn chính thức với Liên minh châu Âu (EU) lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về các biện pháp trừng phạt thương mại mà EU áp dụng đối với quần đảo này.
Trước đó, ngày 20/8, EU đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu cá trích và cá thu cũng như các sản phẩm chế biến từ hai loại cá trên của Quần đảo Faroe với cáo buộc vùng lãnh thổ này đã đánh bắt quá mức sản lượng cho phép.
Lệnh cấm neo đậu tại các cảng của EU cũng được áp dụng đối với tàu thuyền của Quần đảo Faroe.
Trong yêu cầu tham vấn, Quần đảo Faroe cho rằng lệnh cấm của EU đã vi phạm luật pháp quốc tế, có tính chất "cưỡng bức" và phân biệt đối xử, đồng thời ngăn cản tự do hàng hải.
Trong khi đó, EU khẳng định việc áp đặt các biện pháp trên được xem là phương sách cuối cùng và hành động của họ là nhằm bảo vệ nguồn cá trong khu vực, vốn được gọi là kho dự trữ cá trích Atlanto-Scandian.
Hiện tại Na Uy, Nga, Iceland, Quần đảo Faroe và EU phối hợp cùng quản lý kho dự trữ cá trên thông qua một thỏa thuận dài hạn, trong đó quy định hạn mức đánh bắt cụ thể.
Tuy nhiên, năm 2013, Faroe, với ngành đánh bắt cá là trụ cột của nền kinh tế, đã đơn phương phá vỡ thỏa thuận khi nâng hạn mức đánh bắt lên 105.230 tấn, cao gấp 5 lần so với mức mà EU đặt ra.
Theo quy trình giải quyết tranh chấp thương mại của WTO, việc gửi yêu cầu tham vấn là bước đầu tiên trước khi tổ chức này quyết định có thành lập Ban hội thẩm để xem xét về vụ tranh chấp hay không.
Quy trình này thường rất phức tạp và kéo dài, có khi tới vài năm. Nhưng với động thái trên, dường như Quần đảo Faroe, vùng lãnh thổ tự trị với khoảng 50.000 dân thuộc chủ quyền của Đan Mạch, đã sẵn sàng tham gia một cuộc chiến thương mại với EU./.