FAO thúc giục hành động mạnh mẽ xóa bỏ lao động trẻ em vào năm 2025

Khoảng 160 triệu trẻ em (gần 10% số trẻ em trên thế giới) hiện đang bị buộc phải làm việc, 70% trong số đó (112 triệu em) đang làm việc trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp.
Trẻ em làm việc tại một xưởng cơ khí ở Ghazni, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trẻ em làm việc tại một xưởng cơ khí ở Ghazni, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, phát biểu ngày 2/11 khai mạc hội nghị trực tuyến Diễn đàn Giải pháp toàn cầu về lao động trẻ em, Tổng Giám đốc Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh sự cần thiết phải có những hành động hiệu quả và sự lãnh đạo mạnh mẽ để chấm dứt vấn nạn lao động trẻ em vào năm 2025.

Khoảng 160 triệu trẻ em, tức gần 10% số trẻ em trên thế giới, hiện đang bị buộc phải làm việc. Khoảng 70% trong số đó (112 triệu em) đang làm việc trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Nhưng với thời hạn năm 2025 đang đến gần, Tổng Giám đốc Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh rằng hành động hiệu quả và “sự lãnh đạo đồng bộ và chặt chẽ từ các bên liên quan đến nông sản toàn cầu là rất quan trọng.”

FAO giải thích rằng lao động trẻ em là vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, tước đi tuổi thơ, tiềm năng và phẩm giá của các em, cả trai lẫn gái, đồng thời có hại cho sự phát triển thể chất và tinh thần của các mầm non tương lai.

[Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em]

Mặc dù không phải tất cả các công việc mà các em đang làm đều bị coi là lao động trẻ em, nhưng phần lớn các công việc đó là không phù hợp với lứa tuổi và nhiều gia đình dễ bị tổn thương, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, không có lựa chọn nào khác.

Các yếu tố góp phần vào tình trạng lao động trẻ em trên thế giới gồm thu nhập gia đình thấp, ít lựa chọn thay thế sinh kế, sự hạn chế tiếp cận giáo dục, thiếu các công nghệ tiết kiệm lao động và quan niệm truyền thống về việc trẻ em tham gia các công việc trong canh tác nông nghiệp. Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm những vấn đề này.

Hội nghị trên, được FAO phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cùng với Tổ chức Hợp tác quốc tế về lao động trẻ em trong nông nghiệp (IPCCLA) và Liên minh Đối tác toàn cầu 8.7 - một sáng kiến toàn cầu chống lao động cưỡng bức - tổ chức trong hai ngày 2-3/11 nhằm xác định và mở rộng các giải pháp nhằm loại bỏ thông lệ vi phạm nghiêm trọng nhân quyền này, phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Diễn đàn quy tụ các đại diện từ nhiều ngành khác nhau, bao gồm các bộ, ngành chính phủ, tổ chức của nông dân, công nhân và ngân hàng phát triển, các doanh nghiệp cũng như trẻ em, những người ủng hộ trẻ em và những lao động trẻ em trước đây.

ILO và Liên minh Đối tác toàn cầu 8.7 đã phát động năm 2021 là Năm Quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em, nhằm thúc đẩy công tác lập pháp và những hành động thực tiễn nhằm xóa bỏ lao động trẻ em trên toàn thế giới.

Năm này sẽ tạo tiền đề cho việc tổ chức Hội nghị Toàn cầu về lao động trẻ em, dự kiến sẽ được tổ chức tại Nam Phi vào năm 2022.

Trong hội nghị này, các bên liên quan sẽ chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những cam kết bổ sung hướng tới việc chấm dứt lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025 và chấm dứt lao động cưỡng bức, buôn bán người và nô lệ hiện đại vào năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục