FAO dự báo thế giới chi 1.940 tỷ USD cho nhập khẩu lương thực

Theo báo cáo của FAO, chi phí nhập khẩu lương thực tăng chủ yếu ở các nước có thu nhập cao, phần lớn do giá lương thực thế giới leo thang.
FAO dự báo thế giới chi 1.940 tỷ USD cho nhập khẩu lương thực ảnh 1Nông dân thu hoạch lúa mì trên cánh đồng ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 11/11, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho biết chi phí nhập khẩu lương thực toàn cầu trong năm nay dự kiến tăng 10% lên mức kỷ lục 1.940 tỷ USD do giá cả tăng.

Dự báo này nếu trở thành hiện thực sẽ đánh dấu mức chi phí nhập khẩu lương thực cao nhất từ trước đến nay, do giá đồng USD - đồng tiền giao dịch chính trên các thị trường quốc tế, tăng mạnh và tác động của cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo báo cáo của FAO, chi phí nhập khẩu lương thực tăng chủ yếu ở các nước có thu nhập cao, phần lớn do giá lương thực thế giới leo thang. Khối lượng nhập khẩu lương thực ở những nước này cũng được dự báo sẽ tăng.

FAO cho rằng tác động của tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn đối với những nền kinh tế dễ bị tổn thương. Trong khi đó, chi phí nhập khẩu lương thực ở các nước có thu nhập thấp dự báo không thay đổi, dù khối lượng nhập khẩu có thể giảm 10%.

Khu vực nghèo đói phía Nam sa mạc Sahara ở châu Phi có thể sẽ phải chi thêm 4,8 tỷ USD để nhập khẩu lương thực. FAO nhận định đây là những dấu hiệu đáng báo động từ góc độ an ninh lương thực.

[IMF: 20 nước cần viện trợ khẩn cấp để ứng phó khủng hoảng lương thực]

Nga và Ukraine là những quốc gia sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, với hơn 30 nước phụ thuộc vào nguồn cung lúa mỳ và dầu hướng dương của hai nước này, vốn chiếm tới 30% lượng lúa mỳ và 78% lượng dầu hướng dương giao dịch toàn cầu.

Cuộc xung đột kéo dài hơn 8 tháng qua ở Ukraine đã đẩy giá ngũ cốc lên mức cao chưa từng có. Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc hai nước đạt được với vai trò trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã mở đường cho hơn 10 triệu tấn nông sản của Ukraine rời các cảng ở Biển Đen trong những tháng gần đây, giúp giảm giá ngũ cốc trên thị trường.

Cũng theo FAO, sản lượng  thế giới dự báo sẽ đạt mức kỷ lục 784 triệu tấn vào năm 2022-2023, nhờ sản lượng tăng mạnh ở Nga và Canada. Tuy nhiên, FAO cảnh báo chi phí nhập khẩu phân bón trong năm nay có thể sẽ tăng gần 50% so với năm trước, lên 424 tỷ USD.

Nga là một trong những nước xuất khẩu khí đốt và phân bón hàng đầu thế giới. Giá các mặt hàng này đã tăng gấp 3 lần trong 12 tháng qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục