Ngày 29/01, Tổ chức Nông-Lương Liên hợp quốc (FAO) đã thúc giục cộng đồng quốc tế cần quản lý tốt hơn mạng lưới hồ và sông suối, nơi cung cấp nguồn thủy sản và nước uống cho hàng triệu người, giúp duy trì nguồn dinh dưỡng và đóng góp cho kinh tế thế giới.
Ông Árni M. Mathiesen, Trợ lý Tổng Giám đốc FAO về nghề cá và thủy sản cho biết “Nghề cá đã cung cấp nguồn dinh dưỡng giá trị và nhiều việc làm cho người dân nhưng thường không được chú ý đúng mức. Tới nay, nỗ lực gắn kết hiệu quả nghề đánh bắt cá với chương trình phát triển lớn hơn đã không đạt mục tiêu cần thiết."
Nhận định của ông Mathiesen được đưa ra khi FAO và các đối tác liên quan vừa bế mạc Hội nghị toàn cầu về ngư nghiệp.
Hội nghị đưa ra kết luận rằng nhiều chính sách phát triển ở các quốc gia đã không tính đến tác động tiêu cực đối với nghề cá.
Theo FAO, sông hồ là nguồn cung cấp protein, vi chất dinh dưỡng, vitamin và chất béo cho hàng triệu người, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển, nơi khoảng hơn 60 triệu người phải dựa vào sông hồ cho sinh kế của mình.
Ước tính, khoảng 71 quốc gia có thu nhập thấp hiện đã sản xuất bảy triệu tấn thủy sản đánh bắt nội địa mỗi năm.
Tuy nhiên, theo FAO, sông hồ đang chịu tác động mạnh bởi các nhu cầu khác của con người gồm việc sản xuất năng lượng, du lịch và cạnh tranh nguồn nước, những hoạt động đang gây phá vỡ hệ thống sinh thái.
Nhiều ý kiến tại hội nghị do FAO chủ trì đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy một số hiệp ước nhằm bảo đảm nguồn nước sạch được sử dụng “một cách bền vững và thông minh hơn."