Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) ngày 3/3 công bố số liệu cho thấy chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 2/2023 đã giảm 19% so với mức đỉnh ghi nhận tháng 3/2022, sau khi bùng phát xung đột giữa Nga và Ukraine. Đây là tháng thứ 11 liên tiếp chỉ số giá lương thực thế giới giảm.
Chỉ số giá lương thực của FAO theo dõi hầu hết các mặt hàng thực phẩm giao dịch trên toàn cầu. Trong tháng 2 vừa qua, chỉ số này là 129,8 điểm, giảm nhẹ so với mức 130,6 điểm ghi nhận hồi tháng 1 và là chỉ số thấp nhất kể từ tháng 9/2021.
Chỉ số giá ngũ cốc trong tháng 2 gần như không thay đổi so với tháng 1. Giá lúa mỳ quốc tế tăng nhẹ trong tháng 2 do lo ngại tình trạng khô hạn ở Mỹ và nhu cầu nguồn cung mạnh từ Australia.
Giá gạo quốc tế giảm 1% do hoạt động giao dịch tại hầu hết các nhà xuất khẩu lớn ở châu Á chậm lại, đồng tiền của các nước này cũng mất giá so với đồng USD.
[FAO: Giá lương thực thế giới giảm tháng thứ 10 liên tiếp]
Chỉ số giá dầu thực vật trong tháng 2 giảm 3,2% so với tháng 1, trong khi chỉ số giá bơ sữa giảm 2,7%.
Chỉ số giá thịt cũng gần như không thay đổi so với tháng 1. Giá gia cầm thế giới tiếp tục giảm trong bối cảnh nguồn cung xuất khẩu dồi dào, cho dù dịch cúm gia cầm bùng phát tại một số nước, trong khi giá thịt lợn quốc tế tăng, chủ yếu do lo ngại nguồn cung xuất khẩu khan hiếm hơn ở châu Âu.
Ở chiều ngược lại, chỉ số giá đường tăng 6,9% so với tháng 1 lên mức cao nhất trong 6 năm, phần lớn do điều chỉnh giảm dự báo sản lượng niên vụ 2022-2023 ở Ấn Độ cũng như giá dầu thô quốc tế và giá ethanol tại Brazil giảm.
Trong bản tóm tắt về cung và cầu ngũ cốc mới nhất, công bố cùng ngày, FAO dự đoán sản lượng lúa mì toàn cầu năm 2023 là 784 triệu tấn - mức cao thứ hai được ghi nhận. Bắc Mỹ có thể là khu vực cho sản lượng cao do nông dân tăng diện tích trồng lúa mì trong bối cảnh giá mặt hàng này tăng cao./.