FAO: Ấn Độ dự định xuất khẩu gạo kỷ lục để giúp giữ giá ổn định

Xuất khẩu gạo, mặt hàng chủ lực được tiêu thụ nhiều nhất, của Ấn Độ có thể tăng lên mức cao kỷ lục 16,2 triệu tấn trong năm 2021, tăng khoảng 12% so với năm 2020.
Công nhân làm việc tại nhà máy xay xát gạo ở Hyderabad, Ấn Độ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đang đặt mục tiêu xuất khẩu kỷ lục nhằm giữ giá lương thực tăng trong tầm kiểm soát.

Shirley Mustafa, một nhà kinh tế cấp cao của FAO tại Rome, cho biết xuất khẩu gạo, mặt hàng chủ lực được tiêu thụ nhiều nhất, của Ấn Độ có thể tăng lên mức cao kỷ lục 16,2 triệu tấn trong năm 2021, tăng khoảng 12% so với 14,5 triệu tấn vào năm 2020.

Theo ông Mustafa, việc xuất khẩu gạo kỷ lục của Ấn Độ góp phần đảm bảo người mua có thể mua gạo với mức giá hợp lý trên thị trường thế giới trong bối cảnh giá ngô, đậu tương và lúa mỳ đều tăng, và đại dịch COVID-19 đang làm trầm trọng hơn tình trạng đói nghèo.

[Video] Mỹ dự báo Việt Nam vẫn đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo

Theo ước tính mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, sản lượng gạo của Ấn Độ dự kiến cũng sẽ tăng cao kỷ lục 120,3 triệu tấn trong năm kết thúc vào tháng 6/2021, so với mức khoảng khoảng 118,9 triệu tấn một năm trước đó.

Giá gạo basmati của Ấn Độ bán ra nước ngoài trong 11 tháng tính đến ngày 28/2 trung bình thấp hơn khoảng 13% so với cùng kỳ một năm trước đó, trong khi giá loại gạo không phải basmati giảm 8%.

Trong tháng 4/2021, Chính phủ Ấn Độ cho biết nước này sẽ tặng khoảng 8 triệu tấn gạo và lúa mỳ cho những người thuộc chương trình hỗ trợ lương thực quốc gia trong tháng 5 và 6/2021 nhằm giảm bớt khó khăn do làn sóng dịch COVID-19 gia tăng tại nước này.

Sudhanshu Pandey, quan chức hàng đầu của Bộ lương thực Ấn Độ cho hay nước này cũng đã bắt đầu bán gạo và lúa mỳ trên thị trường mở để sử dụng trong nước với chi phí thu mua thấp hơn nhằm giúp người tiêu dùng mua được thực phẩm với mức giá phải chăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục