Facebook xóa thông tin sai lệch về COVID-19 của Tổng thống Brazil

Facebook mới đây đã xóa một video của Tổng thống Brazil Bolsonaro, trong đó ông tuyên bố thuốc trị sốt rét chữa được COVID-19.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. (Nguồn: Reuters)

Facebook đã thay đổi chính sách không kiểm tra thực tế phát ngôn của các chính trị gia khi xóa một nội dung được cho là thông tin sai lệch về COVID-19 có khả năng gây hại từ Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.

Facebook đã đưa ra lựa chọn quyết định xóa một video được ông Bolsonaro chia sẻ vào Chủ Nhật 29/3. Trong video, Tổng thống Brazil tuyên bố rằng "thuốc hydroxychloroquine đang được sử dụng ở tất cả mọi nơi."

Tuy nhiên, trên thực tế loại thuốc trị sốt rét này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm để xác định hiệu quả của nó trong điều trị COVID-19.

"Chúng tôi xóa nội dung trên Facebook và Instagram vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi, không cho phép thông tin sai lệch có thể dẫn đến tổn hại về thể chất." - một phát ngôn viên của Facebook nói với trang tin TechCrunch.

Facebook đặc biệt nghiêm cấm các tuyên bố sai lệch về việc chữa bệnh, phương pháp điều trị, sự sẵn có của các dịch vụ thiết yếu và vị trí hoặc cường độ bùng phát của các bệnh truyền nhiễm.

[Nỗ lực chống tin giả về COVID-19 liệu có tác dụng?]

Theo trang BBC News Brazil, trong đoạn video bị xóa, ông Bolsonaro đã nói chuyện với một người bán hàng rong và Tổng thống Brazil tuyên bố "họ muốn làm việc," trái ngược với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới về việc mọi người thực hành giãn cách xã hội. Sau đó, ông Bolsonaro nói rằng đã có thuốc chữa COVID-19, đó là thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine và nó đã được sử dụng ở mọi nơi.

Nếu mọi người tin những phát biểu sai lệch trên của ông Bolsonaro, họ có thể chủ quan ra ngoài đường, đến những nơi công cộng, đi làm hoặc từ chối cách ly. Điều đó có thể khiến virus lây lan nhanh hơn, đánh bại những nỗ lực ngăn chặn loại virus chết người này.

Đây là lý do tại sao Twitter cũng đã xóa hai tweet của ông Bolsonaro vào Chủ Nhật để ngăn chặn việc phát tán thông tin sai lệch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục