Facebook tuyên bố siết chặt hoạt động quảng cáo chính trị

Facebook sẽ quy định việc công khai danh tính của những người trả tiền cho việc đăng các quảng cáo chứa nội dung chính trị trên các nền tảng của trang mạng xã hội này.
Biểu tượng của Facebook trên màn hình điện thoại và máy tính xách tay. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong nỗ lực ngăn chặn hành động can thiệp các cuộc bầu cử, ngày 7/4, Facebook tuyên bố sẽ quy định việc công khai danh tính của những người trả tiền cho việc đăng các quảng cáo chứa nội dung chính trị trên các nền tảng của trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh này.

Trong thông báo của mình, Facebook, hiện đang đối mặt với làn sóng chỉ trích do vụ bê bối để lộ dữ liệu cá nhân của người dùng gây tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, cho biết chính sách mới này sẽ yêu cầu bất kỳ thông điệp vận động cho các ứng cử viên hay các vấn đề công được đăng trên trang mạng xã hội này phải được "gắn mác" "quảng cáo chính trị" cùng với tên của các cá nhân hay thực thể chi tiền cho các quảng cáo này. Theo đó, để được phép quảng cáo trên Facebook, các nhà quảng cáo sẽ phải xác nhận danh tính và địa chỉ cụ thể.

Facebook hy vọng những thay đổi này sẽ giúp cải thiện tính minh bạch và độ tin cậy của trang mạng xã hội trong các chiến dịch vận động chính trị.

Trong khi đó , trên trang Facebook cá nhân, Giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg nhấn mạnh sự thay đổi này đồng nghĩa tập đoàn này "sẽ thuê thêm hàng nghìn nhân viên" để đảm bảo hệ thống mới sẽ đi vào ổn định trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.

Theo vị CEO này, Facebook đã bắt đầu triển khai biện pháp trên tại Mỹ và sẽ mở rộng ra phần còn lại của thế giới trong vài tháng tới.

Ông Zuckerberg cũng hy vọng những bước đi này sẽ giúp ngăn chặn những âm mưu can thiệp các cuộc bầu cử và sử dụng các tài khoản hay trang cá nhân giả mạo để chạy quảng cáo.

Cùng ngày, Facebook cho biết đã ngừng cho phép hãng tư vấn chính trị AggregateIQ truy cập nền tảng của hãng trước thông tin công ty có trụ sở ở Canada này có thể đã tiếp cận trái phép dữ liệu cá nhân của người dùng.

[Canada điều tra các công ty nghi vấn liên quan tới vụ bê bối Facebook]

Theo Facebook, AggregateIQ có thể đã liên kết với Phòng Thông tin chiến lược (SCL) thu thập dữ liệu người dùng sai quy định. SCL - một nhà thầu quân đội và chính phủ - là công ty mẹ của công ty tư vấn chính trị có trụ sở tại Anh Cambridge Analytica (CA) thu thập dữ liệu trái phép.

Trước đó cũng có thông tin AggregateIQ đã nhận tiền từ một nhóm vận động ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, trong cuộc trưng cầu ý đân hồi năm 2016.

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, Mexico là nước thứ 5 trên thế giới và đứng đầu khu vực Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nhiều nhất trong vụ bê bối rỏ rỉ thông tin người dùng trên.

Cụ thể, Facebook cho biết tại Mexico có 789.880 tài khoản bị tiết lộ, tương đương với 0,9% tổng số tài khoản trên toàn cầu đã rơi vào tay Cambridge Analytica. Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 87 triệu người dùng Facebook bị rò rỉ thông tin cá nhân, trong số đó 81,6% tại Mỹ; kế tiếp lần lượt là Philippines (1,4%), Indonesia (1,3%) và Anh (1,2%).

Hiện tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, chính phủ một số nước Nam Mỹ đang tiến hành điều tra, xem xét các kỹ thuật thu thập dữ liệu được sử dụng trong quá trình bầu cử có liên quan đến Cambridge Analytica.

Tại Brazil, Cơ quan Công tố liên bang đã tiến hành điều tra xem liệu Công ty tư vấn chính trị trên có truy cập bất hợp pháp thông tin cá nhân của người dùng Facebook thông qua chi nhánh A Ponte Estrategia Planejamento e Pesquisa LTDA tại Sao Paolo.

Trong khi đó, Argentina cũng đã bắt đầu một “cuộc điều tra nội bộ” trong Cơ quan Bầu cử Quốc gia (CNE), cơ quan đã giám sát bầu cử và kiểm kê các đóng góp và chi phí của các chiến dịch, sau vụ bê bối rò rỉ thông tin cá nhân có liên quan tới Cambridge Analytica. Các đảng chính trị của Argentina cũng đã cáo buộc lẫn nhau do sử dụng các dịch vụ của công ty này trong quá trình bầu cử diễn ra vào giữa năm 2017.

Trước những diễn biến trên, Facebook đã cam kết áp dụng mọi chính sách của hãng để bảo mật thông tin cá nhân và sẽ nghiêm túc tìm hiểu sự việc này. Hiện ban lãnh đạo Facebook cùng các nhóm chuyên gia đang nỗ lực tìm các "lỗ hổng" để từ đó có hướng giải pháp thiết thực do tính chất nghiêm trọng của vấn đề.

Ngày 11/4 tới, ông chủ Zuckerberg sẽ phải có mặt tại phiên điều trần của Quốc hội Mỹ liên quan vụ rò rỉ dư liệu nghiêm trọng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục