Trang mạng của Học viện Các vấn đề quốc tế Australia (AIIA) mới đây đăng bài viết của Giáo sư Sarah Joseph, Giám đốc Trung tâm Luật Nhân quyền Castan thuộc Đại học Monash, nhận định nếu Facebook được coi là một thử nghiệm trong việc tạo ra một “thị trường ý tưởng” thì kết quả cho đến nay là “đáng thất vọng," và nền tảng này chưa có giải pháp nào cho bài toán kiểm duyệt hơn hai tỷ người dùng vốn vô cùng nan giải.
Vấn nạn 'tin giả'
Bản chất các phương tiện truyền thông xã hội cung cấp cho tất cả mọi người, hoặc phần lớn những người có thể truy cập Internet, một cơ chế để truyền đi ý kiến của mình ra thế giới và có thể kết nối đồng thời với rất nhiều người khác. Trong số này, Facebook, đang là nền tảng phương tiện truyền thông xã hội lớn nhất, có tới 2,38 tỷ người dùng, chiếm một phần ba dân số thế giới.
Sau một thập kỷ rưỡi tồn tại, những lợi thế cũng như bất lợi cho xã hội của các nền tảng truyền thông xã hội đang ngày một trở nên rõ ràng hơn. Nhưng, điều không may là các biện pháp khắc phục nhược điểm của chúng thì lại chưa có.
[Truyền thông Mỹ: Facebook bồi thường 5 tỷ USD vì bê bối rò rỉ dữ liệu]
Đơn cử như vấn nạn tin giả (fake news). Phương tiện truyền thông xã hội đã tạo điều kiện cho sự lan truyền của “tin giả,” một cách vô cùng nhanh chóng và hiệu quả với các đối tượng sử dụng chúng. Có thể thấy qua những cuộc bầu cử, các tin tức giả mạo đã có sức lan tỏa chóng mặt, len lỏi mọi ngõ ngách đầu độc quá trình dân chủ và kết quả bầu cử bằng cách khiến cử tri bỏ phiếu dựa trên những câu chuyện bịa đặt mà họ có thể nhận được qua một quá trình phức tạp có chủ đích.
Facebook đã bị chỉ trích vì không kiểm soát các hoạt động của Nga trong cuộc bầu cử ở Mỹ, trong khi công ty con của Facebook là Whatsapp đã được sử dụng để truyền bá những câu chuyện không có thực trong cuộc bầu cử gần đây ở Brazil.
Thậm chí, tin tức giả có chủ đích còn được dự đoán sẽ trở thành một đặc tính của tất cả các cuộc bầu cử sắp tới ở các nước, nơi phương tiện truyền thông xã hội hoạt động tương đối tự do.
Phương tiện của những thông điệp xấu
Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã sử dụng phương tiện truyền thông xã hội với sự khéo léo giết người trong việc tuyển dụng và đe dọa.
Facebook đã được sử dụng bởi tay súng ở thành phố Christchurch để truyền hình trực tiếp vụ xả súng giết người của hắn. Facebook còn liên quan đến sự lan truyền của ngôn từ kích động hận thù trên toàn thế giới, góp phần gây ra các cuộc xung đột sắc tộc dữ dội.
Mặc dù Facebook đã hứa sẽ làm tốt hơn trong việc kiểm soát sự lan truyền của tin giả và ngăn chặn việc sử dụng nền tảng của mình cho mục đích kích động bạo lực và thậm chí là diệt chủng. Nhưng cho đến nay, ngoài lời hứa này, cũng như việc thừa nhận “có lỗi," họ vẫn chưa có động thái đáng kể nào.
Mâu thuẫn đối cực trong chính sách vận hành
Nói một cách công bằng, Facebook khó có thể “làm tốt hơn” nếu như doanh nghiệp này chấp nhận đáp ứng các yêu cầu tự cạnh tranh. Hiện tại, ở Facebook đang tồn tại những mâu thuẫn đối cực liên quan đến sự phát triển của mình. Ví dụ, mặc dù áp dụng chính sách kiểm duyệt quá mức đến bị đông đảo người dùng chỉ trích, nhưng cùng đó, facebook lại cho phép sự tồn tại, xuất hiện của quá nhiều ngôn từ, thông điệp mang tính phản cảm, thậm chí kích động chiều hướng xấu.
Có thể thấy qua vụ video xả súng ở Christchurch, mặc dù nhu cầu về kiểm duyệt ở một mức độ nhất định là rõ ràng, nhưng những “ngôn từ thù hận” đã không thể được xác định. Điều này là có thể hiểu được, trong bối cảnh mà công ty vốn được sáng tạo và điều hành bởi một người Mỹ rất trẻ với một nền tảng xã hội toàn cầu chứa đựng nhiều nền văn hóa và chính thể...khác nhau trên thế giới.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, việc gỡ bỏ nội dung phản cảm cũng có thể làm mất bằng chứng về tội ác chiến tranh.
Tương tự như vậy, mặc dù Facebook rất đáng bị lên án vì xâm phạm thường xuyên đến quyền riêng tư của người dùng, nhưng nó lại cũng bị chỉ trích vì không cung cấp nội dung cho việc thu thập bằng chứng về các vụ đàn áp bạo lực.
Những động thái gần đây của Facebook cho thấy họ đang thực hiện nhiều biện pháp để tránh lặp lại việc sử dụng nền tảng của mình cho các mục đích xấu.
Ví dụ, công ty này đã cam kết thực hiện các kiến nghị của BSR. Facebook cũng đã thành lập ra “Nhóm phản ứng chiến lược nội bộ” để tránh gây ra một cuộc 'diệt chủng' khác. Đội ngũ này bao gồm các cựu quan chức ngoại giao, các chuyên gia nhân quyền và nhiều chuyên gia có liên quan khác. Việc lập ra nhóm này minh chứng cho những tác động và hậu quả chính trị thực tế của nền tảng Facebook.
"Hy vọng rằng nhóm này không chỉ tập trung vào nước Mỹ, vì điều này có thể khiến Facebook trở thành một cánh tay của chính sách đối ngoại của chính phủ Mỹ," Giáo sư Sarah Joseph, Giám đốc Trung tâm Luật Nhân quyền Castan, Đại học Monash nhấn mạnh.
Để làm tốt 'thị trường ý tưởng'
Các công ty truyền thông xã hội, đặc biệt là Facebook, đang phải vật lộn với thực tế hoạt động của họ bị biến động và ảnh hưởng sâu sắc bởi những tác động chính trị và xã hội. Đây là những tác động họ không hề mong muốn và cũng đã không thể dự đoán trước đó.
Tuy nhiên, thực tế của tác động chính trị và xã hội nêu trên là không thể làm ngơ và các công ty truyền thông xã hội cũng như chính phủ và xã hội phải tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Điều này không hề dễ dàng, trong bối cảnh các vấn đề tự do ngôn luận, ngôn từ kích động hận thù, tin giả và quyền riêng tư... lại có các lợi ích cạnh tranh vô cùng lớn.
Đối với Facebook, việc hài hòa các lợi ích trên cho hơn hai tỷ người dùng có thể là không thể.
Trong cuốn sách kinh điển của thế kỷ XIX về xã hội tự do, tựa đề “Bàn về Tự do,” tác giả J.S. Mill nhấn mạnh rằng sự thật sẽ thắng thế nếu các ý tưởng và lời nói được phép tự do truyền đạt. Khái niệm này đã được diễn đạt lại thành “thị trường ý tưởng,” trong đó những ý tưởng tốt được cho là có khả năng vươn lên và đánh bại những ý tưởng tồi.
Phương tiện truyền thông xã hội có thể là một thực tế gần nhất có thể với “thị trường ý tưởng” mà chúng ta hướng tới. Chúng đã tạo ra một không gian chung cho các ý tưởng cả tốt và xấu từ tất cả mọi người không bị ngăn cản bởi những người gác cổng truyền thống, ví dụ như chính phủ và các phương tiện truyền thông chính thống.
Mặt khác, phải thấy rằng các phương tiện truyền thông xã hội vẫn bị điều tiết bởi các quy định trong nước và quốc tế và bị thao túng bởi các thuật toán và các bot (chương trình máy tính tự động).
Các công ty truyền thông xã hội phải điều tra cẩn thận tác động của việc thao túng thị trường và có các điều chỉnh cần thiết, như trong ví dụ gần đây của YouTube.
Hiện vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi: Liệu các thuật toán được xây dựng để tối đa hóa sự tham gia của người dùng, qua đó tối đa lợi nhuận của các nền tảng có phù hợp với các nguyên tắc của một xã hội dân chủ và đa nguyên lành mạnh hay không?./.