Facebook thuộc sở hữu của Tập đoàn công nghệ Meta cho biết đã cho phép người dùng tại Mỹ có thể tăng quyền kiểm soát đối với thuật toán hiển thị nội dung trong nền tảng này, thông qua việc người dùng có thể tùy chọn vị trí hiển thị những bài viết có nội dung đã được xác minh.
Từ trước đến nay, thuật toán của Facebook tự động hạ vị trí của các bài viết trong thẻ feed (nơi người dùng nhìn thấy bài viết của bạn bè, trang, nhóm… theo trình tự thời gian) nếu như một trong những đối tác xác minh dữ liệu của nền tảng này gắn cờ bài viết (tức bài viết có nội dung vi phạm các tiêu chuẩn của Facebook). Điều này giúp giảm mức độ hiển thị nội dung của bài viết vốn sai lệch hoặc không phù hợp.
Giờ đây, Facebook đã đưa ra giải pháp mới, cho phép người dùng nâng, hạ hoặc duy trì vị trí của những bài viết bị đánh dấu vi phạm tiêu chuẩn trong feed.
Giải pháp này được gọi là công cụ xác minh dữ liệu và hiện đã xuất hiện trong mục "thiết lập" (Settings) của Facebook.
Với những bài viết đã được xác minh có nội dung không phù hợp, người dùng Facebook có thể giảm hiển thị bài viết như vậy trên nền tảng với một lựa chọn "hạ thấp vị trí hơn nữa" trong công cụ nói trên.
Ngược lại, lựa chọn "không hạ thấp vị trí" sẽ nâng bài viết lên vị trí cao hơn trong nền tảng, khi đó nhiều người dùng có thể nhìn thấy bài viết hơn.
[Meta chặn tin tức trên Facebook và Instagram với người dùng Canada]
Người phát viên của Meta cho biết: "Chúng tôi đang giúp người dùng Facebook có nhiều quyền kiểm soát thuật toán thay đổi vị trí của bài viết trong feed."
Meta triển khai công cụ này từ hồi tháng 5 trong bối cảnh việc kiểm duyệt nội dung trên các nền tảng mạng xã hội đã trở thành vấn đề nóng ở Mỹ.
Việc Facebook đưa ra sự thay đổi nói trên vào thời điểm Mỹ đang hướng đến cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024, thời điểm mà giới nghiên cứu lo ngại thông tin chính trị sai lệch có thể tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội.
Trong khi đó, việc Facebook đưa ra sự thay đổi nói trên cũng khiến một số chuyên gia quan ngại rằng nền tảng này có thể trở thành mối lợi cho việc lan truyền thông tin sai lệch./.