Theo Tờ New York Times, Facebook trong quá trình phát triển trở thành một đế chế mạng xã hội lớn nhất thế giới, đã có các thỏa thuận ngầm cho phép điện thoại và các nhà sản xuất thiết bị khác truy cập vào một lượng lớn thông tin cá nhân người dùng mạng xã hội này.
Facebook đã đạt được quan hệ đối tác chia sẻ dữ liệu với ít nhất 60 nhà sản xuất thiết bị điện tử viễn thông - bao gồm Apple, Amazon, BlackBerry, Microsoft và Samsung - trong 10 năm qua, trước khi các ứng dụng Facebook được phổ biến rộng rãi trên điện thoại thông minh.
Các giao dịch này cho phép Facebook mở rộng phạm vi tiếp cận và cho phép các nhà sản xuất thiết bị cung cấp cho khách hàng các tính năng phổ biến của mạng xã hội, chẳng hạn như nhắn tin, nút "like" và sổ địa chỉ.
Các quan hệ đối tác này chưa được Facebook báo cáo với cơ quan chức năng Mỹ, qua đó làm dấy mối lo ngại về sự bảo vệ quyền riêng tư của Facebook và việc tuân thủ nghị quyết năm 2011 của Ủy ban thương mại liên bang Mỹ.
Facebook cho phép các công ty thiết bị điện tử viễn thông truy cập vào dữ liệu người dùng mà không có sự đồng ý rõ ràng của họ, ngay cả sau khi hiện thông báo trên màn hình thiết bị rằng các công ty này sẽ không chia sẻ thông tin đó với người ngoài.
New York Times còn phát hiện một số nhà sản xuất thiết bị thậm chí còn có thể truy xuất thông tin cá nhân của bạn bè người dùng Facebook.
Hầu hết các quan hệ đối tác vẫn có hiệu lực, mặc dù Facebook đã tăng cường kiểm soát việc chia sẻ dữ liệu khách hàng vào tháng Tư, sau vụ bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng từ đối tác, công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica.
Thông tin chấn động trên của New York Times có thể đẩy mạng xã hội lớn nhất thế giới vào một vòng xoáy bê bối mới./.