Facebook bị điều tra về xâm phạm quyền riêng tư của người dùng

Các cơ quan bảo vệ dữ liệu ở năm quốc gia thuộc EU đã mở cuộc điều tra chung về hoạt động kiểm soát thông tin cá nhân người sử dụng qua trang mạng xã hội Facebook.
Facebook bị điều tra về xâm phạm quyền riêng tư của người dùng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: nbcnews)

Ngày 16/4, các cơ quan bảo vệ dữ liệu ở năm quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã mở cuộc điều tra chung về hoạt động kiểm soát thông tin cá nhân người sử dụng qua trang mạng xã hội Facebook.

Động thái này đã khiến trang mạng xã hội nổi tiếng này của Mỹ phải đối mặt với những áp lực mới.

Cơ quan giám sát quyền riêng tư CNIL của Pháp xác nhận các cơ quan chức năng của Pháp, Bỉ, Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha sẽ phối hợp điều tra hoạt động kiểm soát dữ liệu người dùng của Facebook. Hà Lan sẽ nắm vai trò điều phối cuộc điều tra chung này.

Trong nhiều năm qua, chính sách kiểm soát quyền riêng tư của Facebook đã trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận về vấn đề bảo mật thông tin cho người sử dụng trực tuyến.

Các nhà điều tra của năm nước trên sẽ rà soát, kiểm tra hoạt động chia sẻ dữ liệu giữa các ứng dụng khác nhau của Facebook như Instagram hoặc Whatsapp.

Phản ứng lại quyết định trên, người phát ngôn của Facebook cho biết trang mạng xã hội khổng lồ này gần đây đã liên tục cập nhật các điều khoản và chính sách mới để làm rõ hơn về vấn đề chia sẻ và bảo vệ dữ liệu, đồng thời khẳng định các hoạt động của trang mạng này luôn tuân thủ các quy định của luật pháp.

Đây không phải lần đầu tiên Facebook bị các nước EU cáo buộc vi phạm các điều khoản bảo mật tại "Lục địa già."

Đầu tháng này, Áo đã mở cuộc điều tra nhằm vào Facebook sau khi một sinh viên tốt nghiệp ngành luật có tên là Maximilian Schrems kiện lên tòa án tối cao Áo về những vi phạm của Facebook trong vấn đề bảo mật thông tin trực tuyến cho người dùng.

Max Schrems và 25.000 người sử dụng Facebook đang là bên nguyên đơn trong một vụ kiện tập thể nhằm vào Facebook với cáo buộc hãng theo dõi thông tin cá nhân của họ một cách bất hợp pháp và tham gia vào chương trình do thám bí mật PRISM của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.

Luật pháp EU quy định các mạng xã hội phải có được sự đồng ý của người dùng trước khi sử dụng các cookie theo dõi hoạt động của họ. Facebook đã bỏ qua quy định này và sử dụng cookie để theo dõi bất kỳ ai truy cập vào địa chỉ của trang mạng này, thậm chí cả những người chưa đăng ký tài khoản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục