Ngày 8/2, Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank-mã EIB) đã có Nghị quyết về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh với cổ đông Nhật Bản là Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC.
Cụ thể, Eximbank chấm dứt trước thời hạn đối với thỏa thuận liên minh chiến lược ngày 27/11/2007 ký giữa SMBC và Eximbank theo đề nghị của SMBC tại văn bản ngày 5/1/2022.
Được biết, giữa tháng 5/2021, SMBC đã có ý định thoái vốn khỏi Eximbank. Cho đến thời điểm này, cổ đông lớn nhất của Eximbank vẫn là nhà đầu tư ngoại SMBC, chiếm tỷ lệ sở hữu 15% (hơn 185 triệu cổ phiếu) trong cơ cấu cổ đông của ngân hàng này. SMBC cũng chính là nhà đầu tư Nhật Bản năm ngoái đã mua 49% cổ phần từ công ty con của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là FE Credit.
[Eximbank công bố tân Tổng giám đốc sau hơn 2 năm bỏ trống]
Từ năm 2014 đến nay, Eximbank không chia cổ tức và cũng không tăng vốn. Tuy nhiên, như khá nhiều tin đồn luôn xoay quanh ngân hàng này, thương vụ mua bán cổ phần vẫn còn trong vòng bí ẩn.
Động thái quyết định "buông" Eximbank của SMBC cũng khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ kỳ vọng cuộc họp Đại hội đồng cổ đông dự kiến tổ chức ngày 15/2/2022 tới đây sẽ được tiến hành. Trước đó, tại cuộc họp hồi tháng 4/2021, theo quan sát, cổ đông SMBC không có mặt tại đại hội.
Kết thúc năm 2021, tổng tài sản của Eximbank đạt 166.000 tỷ đồng; huy động vốn đạt 138.600 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu nội bảng duy trì dưới 2%. Trong khi đó, dư nợ cấp tín dụng của Eximbank năm qua đạt 115.790 tỷ đồng, tăng đến 13% so cùng kỳ năm 2020. Theo lãnh đạo Eximbank, sở dĩ tín dụng của ngân hàng tăng cao trong quý cuối năm 2021 là do nhu cầu vốn của khách hàng tăng.
Eximbank đã cũng hai lần trình Ngân hàng Nhà nước xin nới room tín dụng và được cấp thêm 2 lần tổng cộng lên 13% so với room được duyệt đầu năm qua là 6,5%.
Lợi nhuận trước thuế năm 2021 của ngân hàng ước đạt 1.100 tỷ đồng, giảm gần 18% so với lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 1.340 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi cả năm dự kiến đạt 943 tỷ đồng.
Trước đó, Eximbank bất ngờ giảm mạnh kế hoạch lợi nhuận 2021 ngay sát giờ chốt sổ. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế mục tiêu cả năm được điều chỉnh giảm xuống còn 1.300 tỷ đồng, thấp hơn 40% so với kế hoạch ban đầu và giảm nhẹ 1,5% so với năm 2020.
Năm 2022, ngân hàng đề ra mục tiêu tổng tài sản đạt 179.000 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Huy động vốn dự kiến đạt 147.600 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2021; dư nợ cấp tín dụng tăng 13,5% đạt 115.700 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế dự kiến là 2.500 tỷ đồng, tăng 127% so với năm 2021. Thu nhập ngoài lãi tăng 216 tỷ lên 1.159 tỷ đồng./.