"Cơ cấu điện năng chưa hợp lý, sử dụng công nghệ còn lạc hậu nhất là các lĩnh vực sản xuất như xi măng, sắt thép... Mặt khác, ý thức sử dụng điện vẫn còn thấp, dẫn đến lãng phí do vậy cần kiểm toán công nghệ để đầu tư có hiệu quả."
Đây là nhận định của ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại "Hội nghị tổng kết năm 2014 và triển khai nhiệm vụ 2015" do EVN tổ chức ngày 13/1, tại Hà Nội.
Nói rõ hơn về vấn đề của ngành điện lực tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nêu rõ, một trong những nhiệm vụ quan trọng của EVN trong năm 2015 là phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, trong đó cần chú ý vấn để tăng năng suất lao động và giảm mức tổn thất điện năng của tập đoàn.
Theo Bộ trưởng, năm 2015 là năm giữa kỳ thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội 2010-2020 và là năm chuẩn bị cho đại hội Đảng, do vậy tập đoàn phải đề ra các giải pháp nhằm đảm bảo đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt.
Đối với lưới điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng yêu cầu EVN phải thường xuyên kiểm tra đường dây 500 kV nhằm tránh xảy ra sự cố lớn gây mất điện cho các tỉnh phía Nam, cũng như điều tiết một cách hợp lý để có thể huy động các nguồn điện khác ngoài EVN và giảm tổn thất điện năng xuống mức thấp nhất.
Báo cáo của EVN cho thấy, năm 2014, sản lượng điện sản xuất và mua ngoài của tập đoàn đạt 142,25 tỷ kWh, tăng 10,76% so với năm 2013. Bên cạnh đó, tỷ lệ tổn thất điện năng toàn hệ thống khoảng 8,6%, giảm 0,27% so với năm 2013.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc EVN, việc sử dụng điện thời gian qua vẫn rất lãng phí và đây cũng là một trong những thách thức lớn nhất đối với việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Phân tích kỹ hơn, lãnh đạo EVN cho hay, trong phê duyệt Quy hoạch điện VII, Chính phủ yêu cầu phải giảm dần hệ số đàn hồi điện/GDP xuống còn 1,5 vào năm 2015 và 1,0 vào năm 2020, nhưng hiện nay tăng trưởng điện vẫn gấp đôi tăng trưởng GDP.
Thêm vào đó, ông Thanh cho rằng, trong cơ cấu điện thì 53,9% sản lượng điện đi vào công nghiệp nhưng chỉ làm ra 39% GDP, trong khi chỉ với 4% sử dụng cho thương mại và dịch vụ đã làm ra 44% GDP. Đáng chú ý, 63% sản lượng điện của miền Nam đều phục vụ cho công nghiệp nhưng hiệu quả kinh tế vẫn không cao.
Ngoài ra, tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải 220 kV - 500 kV còn cao. Theo báo cáo của EVN, tỷ lệ tổn thất lưới điện truyền tải là 2,5%, cao hơn kế hoạch đề ra 0,3%
Để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, lãnh đạo EVN cho biết, trong năm 2015, tập đoàn này đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống mức 8% trong đó ưu tiên cao nhất là giao chỉ tiêu đến từng đơn vị thành viên như Tổng công ty truyền tải và các Tổng Công ty điện lực để khai thác và sử dụng điện có hiệu quả, tăng tính khả dụng của đường dây.
"Năm 2015, EVN phấn đấu tiết kiệm 2% trên địa bàn miền Nam, giảm 5% các sự cố so với năm trước và phấn đấu cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế, xã hội," lãnh đạo EVN nói.
Cũng trong năm 2015, EVN đề ra các chỉ tiêu chính như: Điện sản xuất và mua ngoài đạt 156,9 tỷ kWh, tăng 10,3% so với năm 2014. Hoàn thành đưa vào vận hành 7 tổ máy với tổng công suát 3.314 MW.
Đáng chú ý, EVN sẽ phấn đấu đảm bảo tiến độ xây dựng các cụm công trình lưới điện cấp điện cho miền Nam, cũng như cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của cả nước./.