EVN nghiên cứu giải pháp tự động hóa cho trạm biến áp 500kV

Hiện nay, Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã đưa vào vận hành điều khiển từ xa 56/56 trạm biến áp 110kV; trong đó có 48/56 trạm vận hành hoàn toàn không người trực.
EVN nghiên cứu giải pháp tự động hóa cho trạm biến áp 500kV ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ nghiên cứu giải pháp tự động hóa cho trạm biến áp 500kV và các nhà máy điện.

Đây là thông tin đáng chú ý được đưa ra tại hội nghị "Tự động hóa ngành điện trong xu thế chuyển đổi số" do EVN tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 12/4.

Theo ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng ban Viễn thông và Công nghệ thông tin của EVN, tập đoàn sẽ trang bị các hệ thống điều khiển với yêu cầu đào tạo chuyển giao, tập trung khai thác chuyên sâu các tính năng để Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) và các đơn vị phát điện có thể cơ bản làm chủ trong quá trình vận hành, nâng cấp, bảo dưỡng, sữa chữa nhằm hướng tới phương pháp ROCM và CBM.

Bên cạnh đó, tập đoàn sẽ hoàn thành xây dựng trung tâm giá sát từ xa RMC (Remote Monitoring Center) cho các nhà máy điện trục thuộc EVN. Các trung tâm áp dụng công nghệ phân tích, chẩn đoán; tích hợp tốt cả các dữ liệu phục vụ vận hành trong một nhà máy điện (DCS, GSTT, hệ thống thiết bị dùng chung, hệ thống quan trắc online, quản lý kỹ thuật PMIS, thủy văn, nhiên liệu, đo đếm, môi trường) thành một hệ thống dữ liệu tập trung và thống nhất, sẵn sàng đáp ứng cho các ứng dụng chuyên dùng của nhà máy điện do nhiều bên sản xuất cung cấp.

[EVN đề xuất thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở miền Bắc]

Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng ban Viễn thông và Công nghệ thông tin của EVN cho biết EVN tiếp tục duy trì, chủ động triển khai các giải pháp tự động hóa cho các trung tâm điều khiển và trạm biến áp 110 và 220kV, tiến tới chủ động hoàn toàn các phần công việc chính vào năm 2023, chỉ thực hiện thuê ngoài những dịch vụ, phần việc đơn giản.

Đơn vị nào chưa đủ năng lực có thể hợp tác với các đơn vị có năng lực trong tập đoàn để triển khai các giải pháp tự động hóa và hướng tới việc đào tạo, chuyển giao công nghệ để có thể làm chủ hoàn toàn hệ thống, tự thực hiện cấu hình bổ sung và giám sát, điều khiển thành công các trạm biến áp.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã đưa vào vận hành điều khiển từ xa 56/56 (100%) trạm biến áp 110kV; trong đó có 48/56 trạm vận hành hoàn toàn không người trực. Đối với lưới điện trung áp 22kV, EVNHCMC đang vận hành điều khiển xa 64 trạm ngắt và 1.062 tuyến dây.

Cùng với đó, các tuyến dây đều được phân đoạn và giao liên với nhau bằng thiết bị đóng cắt có chức năng SCADA để có thể thao tác điều khiển xa khi cần thiết.

Điều đặc biệt là 60% các tuyến dây trung áp 22kV nói trên đang được vận hành tự động hóa DAS/DMS hoàn toàn và có khả năng tự động cô lập khu vực sự cố và cung cấp điện lại cho các khu vực khác trong khoảng thời gian 1-2 phút, qua đó đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Cũng tại hội nghị, EVN đã công bố 6 giải pháp tự động hóa "Make by EVN." Cụ thể là Chương trình quản lý mất điện trên sơ đồ đơn tuyến của EVNHCMC, công tơ điện tử CPC EMEC của Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), phần mềm thu thập dữ liệu công tơ đo đếm của Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT), trạm sạc nhanh ôtô điện của EVNCPC, số hóa việc điều độ lưới điện của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI), thiết bị chỉ thị và cảnh báo sự cố trên lưới điện trung cấp và hệ thống cảnh báo sự cố lưới điện của EVNCPC./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục