EVN đã cấp điện đến 100% số xã, hoàn thành tiêu chí điện nông thôn

Đến nay, EVN đã cấp điện đến 100% số xã, trong đó khoảng 90,7% xã trên cả nước đạt tiêu chí điện nông thôn. Nhiều tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 100% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới về điện.
EVN đã cấp điện đến 100% số xã. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Đến nay, EVN đã cấp điện đến 100% số xã, trong đó có 8.072/8.902 xã (khoảng 90,7%) trên cả nước đạt tiêu chí điện nông thôn. Nhiều tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 100% tổng số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới về điện.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, EVN và các đơn vị thành viên đã thực hiện cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới lưới điện trung, hạ áp nông thôn; đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, sinh hoạt và đảm bảo vận hành an toàn ổn định lưới điện của dân cư khu vực nông thôn. 

Cùng với việc đầu tư xây dựng, phát triển lưới điện khu vực nông thôn, EVN cũng đẩy mạnh tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ các tổ chức địa phương không đủ năng lực quản lý.

Đến cuối năm 2018, EVN đã tiếp nhận tổng số gần 6.000 xã, quản lý bán điện trực tiếp tới hơn 6,2 triệu hộ dân và tiến hành cải tạo lưới điện sau tiếp nhận với tổng chi phí khoảng 8.000 tỷ đồng, qua đó giúp các hộ dân được sử dụng điện đảm bảo chất lượng, an toàn và ổn định.

Trong giai đoạn tới, EVN kiến nghị Chính phủ xem xét, cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện mục tiêu Chương trình “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2013 - 2020.”

[Các ‘ông lớn’ không cấp đủ than, EVN xin nhập khẩu thêm "vàng đen"]

Để giải quyết bài toán về vốn, EVN cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành làm việc với các tổ chức quốc tế tìm kiếm các nguồn vốn ưu đãi và có chính sách hỗ trợ lãi suất cho EVN để thực hiện các dự án đầu tư lưới điện cho khu vực nông thôn.

Mặt khác, EVN cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh ưu tiên bố trí vốn ngân sách hàng năm để thực hiện đầu tư cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, nhất là khi ngân sách trung ương chưa bố trí vốn. Ủy ban Nhân dân các tỉnh cũng cần vận động các hộ dân tự nguyện tham gia giải phóng mặt bằng để có thêm vốn đầu tư xây dựng mới lưới điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của các xã.

Bên cạnh đó, các địa phương cần hỗ trợ tuyên truyền, vận động người dân trong việc phát quang hành lang an toàn lưới điện, vận động người dân không trồng các cây nhanh phát triển dưới đường dây hiện hữu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục