Không nói rõ thời điểm cũng như mức điều chỉnh là bao nhiêu nhưng theo lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), một loạt khoản chi phí đầu vào tăng thêm trong năm nay đang gây áp lực lên giá bán điện của năm 2015.
Tại buổi họp thông báo về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2013 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức chiều 30/12, tại Hà Nội, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN cho hay, năm 2014 đã không tăng giá điện nhưng một loạt chi phí như than, khí, nợ tỷ giá, thuế tài nguyên và một số chi phí mà EVN phải bù cho việc phát triển lưới điện nông thôn... ước lên tới 15.000 tỷ đồng đang gây áp lực lớn đến việc điều chỉnh giá điện thời gian tới.
Lãnh đạo EVN cũng cho rằng, thời điểm tăng giá sẽ phụ thuộc vào Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, nếu các khoản chênh lệch về tỷ giá cũng như việc thanh toán giá khí mà EVN nợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được lui lại thì áp lực điều chỉnh giá điện sẽ chậm hơn.
"Hàng tháng EVN phải trình và báo cáo Bộ Công Thương các khoản chi phí để liên bộ xem xét, nếu có các giải pháp khác thay thế sẽ kìm hãm việc tăng giá điện," ông Tri nói.
Cũng theo ông Tri, năm 2014, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp trong đó không để EVN "tự bơi" một mình nên việc điều chỉnh giá điện đã không xảy ra.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, lãi hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2013 của EVN là 4.938,44 tỷ đồng. Năm 2014, công ty mẹ lãi gần 300 tỷ đồng nhưng nhiều chỉ tiêu khác đề ra từ đầu năm lại không đạt.
Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực, ông Nguyễn Anh Tuấn, đến thời điểm này liên bộ tài chính-công thương mới làm xong việc kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện của EVN trong năm 2013, còn năm 2014, sẽ được tổ công tác về giá điện tiếp tục kiểm tra.
Lãnh đạo Cục điều tiết Điện lực cũng nhấn mạnh, trên cơ sở kiểm tra giá thành của EVN, liên bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định phương án và thời điểm để điều chỉnh giá.
Nói thêm về việc giá dầu giảm thời gian qua, ông Tuấn cho hay, việc giá nhiên liệu đi xuống cũng giảm áp lực về chi phí cho ngành điện, tuy nhiên xét trên tổng thể, giá điện còn phải căn cứ vào cơ cấu phát điện như thủy điện, nhiệt điện, điện chạy khí là bao nhiêu...
"Giá than hiện vẫn do nhà nước quy định chưa điều chỉnh theo giá thế giới, ngoài ra giá khí cũng theo bao tiêu do Chính phủ quy định, hàng năm tăng thêm 2%," tất cả các yếu tố này sẽ tác động đến chi phí phát điện," ông Tuấn nói./.