Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được đánh giá sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ khi thâm nhập thị trường trên 800 triệu dân này.
Xoay quanh vấn đề trên, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
- Ông đánh giá như thế nào về những cơ hội đối với ngành nông nghiệp khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)?
Tiến sỹ Đào Thế Anh: Hiện nay, EU là thị trường tương đối quan trọng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Cụ thể, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU là trên 22,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
EVFTA sẽ mang lại cơ hội giảm thuế và tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu nói chung, và thị trường EU nói riêng nên hy vọng kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng lên. Thị trường châu Âu vốn rất thích nông sản Đông Nam Á bởi những nét đặc thù, nhất là các mặt hàng như thủy sản, trái cây, lúa gạo...
Tuy vậy, nhắc tới nông sản Đông Nam Á, châu Âu mới chỉ biết đến nông sản của Thái Lan là chính, nhưng với EVFTA, nông sản Việt sẽ có cơ hội nhiều hơn. Châu Âu cũng là một trong những thị trường có yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm cao nhất thế giới.
Do đó, việc ưu đãi thuế sẽ giúp nông sản Việt tiếp cận gần hơn vào thị trường này, đồng thời cũng giúp ngành nông sản Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu nông sản sẽ tăng dần tính chuyên nghiệp.
- Cơ hội là thế, song các rào cản phi thuế quan liệu có là thách thức lớn nhất với ngành nông nghiệp nước ta, thưa ông?
Tiến sỹ Đào Thế Anh: Mặc dù được giảm thuế, song nông sản Việt sẽ chưa thể vào thị trường EU trực tiếp được ngay bởi các hàng rào phi thuế quan như tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng...
Ví dụ như các nông sản tươi sống xuất khẩu vào EU đều phải có chứng nhận Global Gap (Tiêu chuẩn về Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Để có chứng nhận này, doanh nghiệp phải xây dựng được những vùng trồng tương đối tập trung của doanh nghiệp hay của hợp tác xã.
[Phổ biến các nội dung của hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU]
Ngoài ra, khâu sơ chế, chế biến cũng phải được chứng nhận HACCP (hệ thống quản lý an toàn thực phẩm dựa trên cơ sở phân tích các mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn). Đây đều là những tiêu chuẩn thuộc vào loại cao nhất của thế giới.
Về an toàn thực phẩm, châu Âu quản lý rất khoa học và cập nhật thường xuyên các nguy cơ nên ngoài việc các doanh nghiệp tự đổi mới, học hỏi cũng cần sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước về truyền thông, đào tạo... để thích ứng kịp với những phương thức quản lý hiện đại về an toàn thực phẩm và chất lượng của thị trường châu Âu.
- Các quy định pháp lý liên quan tới hàng rào kỹ thuật liên tục được EU rà soát và điều chỉnh. Doanh nghiệp Việt hiện đã tiếp cận được những thông tin này một cách kịp thời chưa, thưa ông?
Tiến sỹ Đào Thế Anh: Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam còn rất thiếu thông tin. Ngay khi Hiệp định được ký, nhiều doanh nghiệp châu Âu đã liên lạc tìm nguồn thực phẩm của Việt Nam để nhập khẩu nhưng họ yêu cầu phải có chứng nhận Global Gap, HACCP, có giống cây trồng và vật nuôi cụ thể, giống có bảo hộ sở hữu trí tuệ, nguồn gốc rõ ràng...
Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết được điều này. Do đó truyền thông cho các doanh nghiệp về các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm tại châu Âu là điều rất cần thiết. Ngoài ra, các mặt hàng vào được thị trường châu Âu phải tuân thủ quy định về sở hữu trí tuệ. Việt Nam hiện đã gửi 41 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Việt Nam sang châu Âu và đổi lại Việt Nam sẽ phải bảo hộ cho châu Âu 171 sản phẩm tại thị trường trong nước.
Điều này có nghĩa là các sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý như tiêu Quảng Trị, điều Bình Phước... đều có cơ hội lớn để xuất khẩu vào EU. Tuy vậy, hầu hết doanh nghiệp không biết đến cơ hội này.
- Trong quá trình hội nhập sẽ khó tránh khỏi sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, ông có lời khuyên nào dành cho doanh nghiệp xuất khẩu?
Tiến sỹ Đào Thế Anh: Để phân định đúng sai tại thị trường châu Âu thường dựa vào luật pháp vì thế việc đầu tiên doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phải am hiểu luật pháp nước sở tại và luật sở hữu trí tuệ. Đây là cơ sở để giải quyết vấn đề khi có khiếu kiện hay thắc mắc.
Đối với nông sản xuất khẩu vào châu Âu, yếu tố xuất xứ cũng rất quan trọng. Do đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã phải tuân thủ minh bạch thông tin và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Hiện nay, các phương tiện truy xuất nguồn gốc điện tử như QRCode, Blockchain... sẽ hỗ trợ rất tốt cho chúng ta tránh bị làm giả, làm nhái. Và khi minh bạch được thông tin, việc bôi nhọ hay cạnh tranh không lành mạnh sẽ ít rủi ro hơn vì chúng ta đã có bằng chứng cụ thể.
- Ông có đề xuất chính sách gì nhằm đảm bảo hai bên giao thương thuận lợi nhưng vẫn bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, sản phẩm trong nước?
Tiến sỹ Đào Thế Anh: Đối với sản phẩm vào thị trường châu Âu, chúng ta đang có lợi thế, Nhà nước nên tăng cường đào tạo năng lực, hiểu biết về pháp luật cho doanh nghiệp. Có nhiều sản phẩm hiện nay các hợp tác xã hoàn toàn có đủ năng lực xuất khẩu, nhưng lại gặp khó về ngôn ngữ nên cần tăng cường đào tạo cho lãnh đạo hợp tác xã về ngoại ngữ.
Lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng cần được đào tạo thêm về ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển như hiện nay. Đây là những kỹ năng mới nên thay vì chỉ tập trung vào việc làm sao để sản xuất trên đồng ruộng tốt cần phải làm sao quản trị tốt trong cả chuỗi giá trị (công nghệ sau thu hoạch, hiểu biết về thị trường thế giới...)
- Thực trạng thu gom nguyên liệu từ nhiều nguồn để xuất khẩu vẫn diễn ra khá phổ biến, dẫn đến việc khó truy xuất nguồn gốc. Theo ông, cần có giải pháp cụ thể nào để tổ chức lại sản xuất, chế biến, đảm bảo xuất khẩu bền vững?
Tiến sỹ Đào Thế Anh: Hiện nay, nếu muốn xuất khẩu vào EU cần có chứng nhận Global Gap. Để có chứng nhận này cần một vùng sản xuất tập trung, đồng nhất hay một mạng lưới trang trại, hợp tác xã được chứng nhận Global Gap nên vấn đề sản xuất cần được tổ chức lại.
Hiện Việt Nam đã có chứng nhận mã vùng sản xuất do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, tiến gần đến tiêu chuẩn Global Gap. Do vậy, các doanh nghiệp cần tìm đến ký hợp đồng với các vùng sản xuất đã được cấp chứng nhận của Bộ.
Bên cạnh đó, năng lực của các doanh nghiệp chứng nhận cũng như chi phí chứng nhận cũng có tác động lớn tới giá thành sản phẩm.
Tóm lại, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã là yếu tố cấp thiết cần phải làm để có khối lượng nông sản ổn định xuất vào thị trường châu Âu.
- Trân trọng cảm ơn ông!