Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020 vừa qua.
EVFTA là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tăng thị phần trong “miếng bánh” hàng dệt may 250 tỷ USD/năm này. Tuy nhiên, việc thiếu hụt về nguồn cung nguyên liệu vẫn đang là trở ngại cần giải quyết nếu muốn nắm bắt cơ hội từ thị trường này mang lại.
Loay hoay chuyện xuất xứ
Theo Bộ Công Thương, EU là thị trường có quy mô lớn nhất về nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may với kim ngạch nhập khẩu trị giá hơn 250 tỷ USD/năm.
Năm 2019, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU đạt 4,3 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm trước, nhưng thị phần mới chỉ chiếm khoảng 2%. Con số này cho thấy, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU vẫn còn rất nhỏ so với những tiềm năng mà thị trường này đem lại.
Dự báo của Bộ Công Thương cho hay, khi có EVFTA, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có hiệp định.
Dù vậy, theo cam kết tại EVFTA, bên cạnh việc đáp ứng tiêu chí khắt khe về chất lượng, để hưởng lợi ích về thuế suất, các doanh nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ rất chặt chẽ. Cụ thể, quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi," tức là vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây vẫn là điểm yếu của ngành dệt may trong nước do phần lớn nguyên phụ liệu đang nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của EVFTA và cũng không phải là quốc gia đã ký kết thương mại tự do (FTA) với EU.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay mới đây là EVFTA quy định rất khắt khe về nguyên liệu và quy trình sản xuất. Nguyên tắc để hàng dệt may Việt Nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo EVFTA yêu cầu vải phải được dệt tại Việt Nam, hoặc EU và cắt may tại Việt Nam. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn chưa rõ ràng được vấn đề về vùng nguyên liệu.
[Hiệp định EVFTA: Mở "nút thắt" cho xuất khẩu dệt may, da giày]
Theo bà Bùi Kim Thùy, nguyên thành viên đoàn đàm phán các FTA của Việt Nam, đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN tại Việt Nam, đáp ứng quy tắc xuất xứ là yêu cầu bắt buộc để hàng hóa hưởng thuế quan ưu đãi.
Để đáp ứng được vấn đề này, ngành dệt may trước mắt có thể sử dụng vải nhập khẩu từ các quốc gia đã có FTA với EU như Hàn Quốc để cắt may tại Việt Nam. Bởi theo quy định của EVFTA, EU cũng cho phép Việt Nam sử dụng vải nhập khẩu từ Hàn Quốc để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang EU và vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi của EVFTA.
“Song tỷ lệ nhập khẩu vải từ Hàn Quốc hiện chưa cao do khó khăn về địa lý cũng như giá cả... Vì vậy, về lâu dài, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể để nắm bắt cơ hội từ thị trường EU," bà Bùi Kim Thùy cho hay.
Sản xuất khép kín
Để tìm kiếm cơ hội vào EU, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng, đầu tư từ nhà xưởng, máy móc công nghệ đến việc đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của các nhà nhập khẩu.
Theo ông Trần Như Tùng, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dệt may-Đầu tư-Thương mại Thành Công (TCM), với những gì mà EVFTA mang lại, công ty đặt mục tiêu xuất khẩu vào EU tăng từ 30-50% vài năm tới. Công ty đã xây dựng một nhà máy nhuộm vải, mỗi năm có thể cung ứng số lượng vải đủ cho nhu cầu sản xuất của công ty và lâu dài hơn, dự kiến sẽ xúc tiến mở thêm một nhà máy nữa tại khu vực miền Tây để có thể tự chủ nguyên liệu trong sản xuất.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Việt Thắng Jean, ông Phạm Văn Việt, cho biết ngay từ khi EVFTA được ký kết, Việt Thắng Jean đã ký kết thu mua nguyên phụ liệu từ các đối tác tại Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ dài hạn thay thế nguyên liệu từ Trung Quốc nhằm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ theo cam kết của EVFTA.
Theo các chuyên gia, để giải bài toán xuất xứ cho ngành dệt may trong thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp, Chính phủ cần sớm ban hành Quy hoạch phát triển ngành tới năm 2040 gồm cả dệt may và da giày.
Ông Vũ Đức Giang cho hay, quy hoạch phải đặt trọng tâm vào việc xây dựng các khu công nghiệp dệt may có xử lý nước thải hiện đại, để chu trình dệt-nhuộm-may hoàn tất được đầu tư phát triển, đóng góp vào nguồn cung toàn cầu và giảm bớt phụ thuộc nhập khẩu, tận dụng tối đa ưu đãi từ EVFTA hay những hiệp định thương mại khác.
Ngoài ra, những vấn đề về chính sách thuế với hàng hóa nhập khẩu, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và xuất khẩu còn nhiều bất cập cũng cần sự điều chỉnh của nhà nước để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Cùng quan điểm trên, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng để khai thác tối đa những ưu đãi mà EVFTA mang lại, cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải cùng vào cuộc.
Chính phủ cần phát triển công nghiệp phụ trợ đủ mạnh, đáp ứng nhu cầu về nguyên phụ liệu để gia tăng hàm lượng nội địa cho hàng hóa xuất khẩu, bảo đảm đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan. Trước mắt, có thể thu hút và cấp phép cho các dự án dệt nhuộm, nhất là các dự án có trình độ thiết bị công nghệ tiên tiến và quy trình xử lý nước thải bảo đảm thân thiện môi trường. Việc này cần sự phối hợp từ các bộ, ngành và địa phương.
Với các doanh nghiệp, ông Hải cho hay, cần chủ động tìm hiểu các nội dung về thuế quan và quy tắc xuất xứ của EVFTA để chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu; chuyển hướng nguồn nguyên liệu nhập khẩu sang trong nước hoặc từ các nước thành viên EU, các quốc gia đã có FTA với EU.
Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng và triển khai các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp nói chung và dệt may nói riêng. Mới đây, Bộ đã khai trương cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ; trong đó ngành công nghiệp dệt may có 1.400 doanh nghiệp được đưa vào hệ thống.
Bộ cũng đang tích cực hoàn thiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2040, sớm trình Chính phủ để làm cơ sở xây dựng các khu công nghiệp dệt nhuộm có quy mô lớn, có hệ thống xử lý nước thải đủ tiêu chuẩn để thu hút nhà đầu tư.../.