EVFTA: Doanh nghiệp châu Âu và các bước đi nhập cuộc

Theo ông Eric Nachtergaele, thành viên ban quản trị Phòng Thương mại Bỉ-Việt, sau khi có hiệp định thương mại tự do, giờ là lúc các bên cùng phải điều chỉnh luật và các quy định cho phù hợp.
EVFTA: Doanh nghiệp châu Âu và các bước đi nhập cuộc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Đại diện các doanh nghiệp châu Âu đánh giá việc Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam được Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu phê chuẩn vào ngày 12/2 là một khoảnh khắc lịch sử, điều này sẽ làm thay đổi cơ bản mối quan hệ vốn đã rất năng động giữa EU và Việt Nam.

Hoan nghênh hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam, ông Pierre Groning, đại diện của Hiệp hội công nghiệp hóa chất và dược phẩm Đức cho biết 1.700 thành viên của hiệp hội - gồm những công ty đa quốc gia cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ cùng tham gia vào một chiến dịch truyền thông mới đã được lên kế hoạch. Đó là cung cấp các thông tin chủ yếu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về những lợi thế của thỏa thuận và cơ hội mở ra những mối liên kết mới tại thị trường Việt Nam.

Theo ông Eric Nachtergaele, thành viên ban quản trị Phòng Thương mại Bỉ-Việt, sau khi có hiệp định thương mại tự do, giờ là lúc các bên cùng phải điều chỉnh luật và các quy định cho phù hợp.

Ông lấy ví dụ về việc áp dụng các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Bên cạnh đó, cũng còn những vấn đề quan trọng khác cần phải được đưa ra xem xét, và Phòng Thương mại Bỉ-Việt sẽ đặc biệt chú ý tới hoạt động hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp thành viên muốn làm ăn buôn bán với Việt Nam.

Cụ thể là việc định hình việc áp dụng và tuân thủ luật mới như thế nào, hay những thay đổi về luật pháp sẽ diễn ra tại Việt Nam.

Cuối năm ngoái, Việt Nam đã thông qua bộ luật lao động mới, nhưng tiếp đó vẫn còn nghị định hướng dẫn thi hành. Vì vậy, ông cho rằng vẫn cần cẩn trọng và chờ xem những nghị định mới được ban hành.

Trên cơ sở nghiên cứu các quy định, Phòng Thương mại Bỉ-Việt có thể tư vấn cho các công ty muốn đầu tư vào Việt Nam trên nhiều vấn đề, ví dụ như khía cạnh về nguồn nhân lực.

Từ những thông tin được cung cấp, các doanh nghiệp thành viên có thể tìm được hướng đi cụ thể trong "khu rừng thể chế" còn khá dày đặc ở Việt Nam.

Phòng Thương mại Bỉ-Việt cho rằng hiệp định EVFTA là một chương đặc biệt ghi dấu mối quan hệ sẽ được mở ra giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên EU trong hợp tác về kinh tế và thương mại.

Về phần mình, ông Gilles Godissart, phụ trách thương mại của công ty Ménart, đã đề cập đến kế hoạch sắp tới của công ty - một doanh nghiệp của Bỉ chuyên cung cấp thiết bị cùng giải pháp xử lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường đã làm ăn với nhiều đối tác Việt Nam từ những năm 1990.

Ông cho biết sắp tới công ty sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ với các đối tác tại Việt Nam. Phía công ty Ménart cũng có kế hoạch thông báo đến các đối tác có dự án về xử lý chất thải về EVFTA để họ biết rằng trong tương lai hai bên có thể tăng cường hợp tác và củng cố mối quan hệ truyền thống được xây dựng từ hơn 20 năm qua.

Ông đánh giá hai bên có thể tiến xa hơn trong quan hệ làm ăn với khả năng mở thêm các hoạt động kinh doanh mới. Lưu ý rằng công ty Ménart hiện chỉ nhắm vào lĩnh vực môi trường, ông Godissart tin tưởng rằng trong tương lai hai bên còn có thể chia sẻ các bí quyết và kinh nghiệm trong lĩnh vực về xử lý chất thải hữu cơ hay nông nghiệp.

Do đã trải qua những thuận lợi và khó khăn đa dạng trong quá trình mở rộng thị trường sang Việt Nam, các doanh nghiệp đều bày tỏ vui mừng cho rằng EVFTA sẽ giúp họ dễ dàng phát triển kế hoạch mở rộng kinh doanh và đầu tư vào đất nước được coi là cửa ngõ để vào khu vực Đông Nam Á này.

Trên thực tế, việc phê chuẩn các hiệp định sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi để phát triển những con đường đã được mở ra từ gần 20 năm qua. Đây chính là "thời điểm vàng" cho lãnh đạo các công ty đến khám phá Việt Nam để xác định lĩnh vực họ sẽ đầu tư, và vì hiệp định giúp triệt tiêu dần tình trạng quan liêu nên hoạt động đầu tư trong tương lai của doanh nghiệp EU tại Việt Nam sẽ thuận lợi.

Ông Godissart nhắc lại thách thức hàng đầu với các doanh nghiệp châu Âu khi làm ăn tại Việt Nam luôn là vấn đề thủ tục hành chính. Hiện vẫn còn tồn tại nhiều thủ tục, quy định cùng những ràng buộc khác đi kèm, đôi khi điều này tạo ra sự nặng nề không đáng có như làm phát sinh chi phí về tiền bạc cũng như thời gian trong quá trình triển khai dự án.

Với việc EVFTA được EP thông qua, ông kỳ vọng trong tương lai hai bên sẽ xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp, công việc được giải quyết nhanh và hiệu quả hơn khi triển khai một dự án hay hoạt động thương mại cụ thể tại Việt Nam.

Vị lãnh đạo của công ty Ménart cho rằng lợi ích lớn đối với doanh nghiệp châu Âu nói chung là giảm được chi phí và tăng hiệu quả khi làm ăn kinh doanh ở Việt Nam. Nhờ đó, công ty có thể cung cấp các máy móc cùng các giải pháp công nghệ với chi phí thấp hơn. Điều này có lợi cho cả cho doanh nghiệp châu Âu cũng như các đối tác Việt Nam.

Bên cạnh đó, EVFTA sẽ mở ra một sân chơi mới, tạo cơ hội cho các doanh nhân đến đầu tư vào Việt Nam đồng thời cũng giúp tăng tính cạnh tranh và tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Việt Nam làm ăn ở châu Âu. Coi cạnh tranh là thách thức và cũng là cơ hội để phát triển, ông Godissart lấy ví dụ về chính doanh nghiệp mình làm ăn tại Việt Nam từ nhiều năm nay.

Trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm xử lý chất thải, nhiều doanh nghiệp châu Âu có thể mang đến Việt Nam những bí quyết của mình theo những cách khác nhau.

Ông Godissart cho rằng Ménart đã giành được lòng tin từ phía Việt Nam và đã có mặt tại đây từ rất lâu, do đó công ty tự tin có được một vị trí cạnh tranh tốt. Tại đó, chuyên môn của công ty được thừa nhận, và họ hy vọng sẽ truyền được cảm hứng cho các công ty châu Âu khác đến làm ăn và đưa ra những giải pháp hữu ích trong xử lý chất thải -một lĩnh vực cấp bách ở Việt Nam.

Thành viên Ban quản trị Phòng Thương mại Bỉ-Việt, ông Nachtergaele, nhấn mạnh tới nguyên tắc về mở cửa cho tất cả mọi đối tượng cùng tham gia cạnh tranh. Ví dụ đối với hải sản, Việt Nam có những sản phẩm thế mạnh trong khi phía Bỉ lại không có và Việt Nam đã xuất khẩu sang đây, nhưng điều quan trọng là nhà xuất khẩu phải đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng và rất nhạy cảm, và những quy định liên quan cần phải luôn được tôn trọng từ cả hai phía.

Bên cạnh đó, môi trường cũng là một khía cạnh khác cần được quan tâm, và muốn thực hiện điều này thì cần một sự nỗ lực đặc biệt từ phía Việt Nam vì đây là một trong những điểm được thảo luận nhiều nhất. Phát triển bền vững và đảm bảo sản xuất bền vững, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường là điều EU đang rất chú trọng để thúc đẩy.

Nhìn chung, ý kiến của các doanh nghiệp đều đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam. Theo ông Godissart, môi trường đầu tư ở Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực với rất nhiều cơ hội đang mở ra cho doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế vẫn còn tồn tại một số vấn đề nan giải, ví dụ thủ tục hành chính vẫn còn khá rườn rà, đôi khi điều này trở thành lực cản, một trở ngại khó vượt qua đối với các công ty qui mô nhỏ, vừa và ngay cả các doanh nghiệp lớn.

Về phần mình, ông Nachtergaele nhận định Việt Nam sẽ tạo được sức hấp dẫn lớn hơn đối với các công ty thương mại và đầu tư của châu Âu với việc EVFTA và EVIPA được EP thông qua. Một điều cũng rất quan trọng nữa là sẽ có các công ty Việt Nam đến đầu tư ở châu Âu, và đây có thể là sự khởi đầu của một làn sóng mới.

[Infographics] Dự báo tác động của EVFTA đến tăng trưởng kinh tế

Thỏa thuận mới sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào EU. Và trong trường hợp này, do là những người mới đến nên chắc chắn các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ ít nhiều rơi vào tình trạng bỡ ngỡ. Phòng Thương mại Bỉ-Việt cũng sẽ xem xét nghiên cứu những gì có thể sẽ xảy ra với các công ty Việt Nam đến đầu tư tại EU để kịp thời tư vấn khi doanh nghiệp có nhu cầu.

Tại Việt Nam, Phòng Thương mại Bỉ-Việt đang triển khai một dự án để tạo ra một trung tâm đào tạo bằng tiếng Pháp về quản lý rủi ro đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trung tâm đào tạo quản lý rủi ro sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam tìm hiểu về những gì mà trước đây còn bị đóng cửa. Những rủi ro được đề cập trong quá trình đào tạo là rất đa dạng. Chúng có thể liên quan đến hoạt động thương mại, kinh tế, tài chính, hải quan, có cả rủi ro về chính sách và thậm chí là văn hóa.

Hiệp định EVIPA khi được thực thi sẽ khuyến khích việc đơn giản hóa thủ tục hành chính ở Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa là các công ty nước ngoài chắc chắn sẽ kiến nghị xem xét cải thiện luật đầu tư cũ với một loạt các hạn chế trong nhiều lĩnh vực.

Thách thức lớn đối với các công ty châu Âu là có thể xác định được ngay từ giờ những thay đổi và các tiến triển mới sẽ diễn ra và với tốc độ nào để họ có thể hoạch định hoạt động kinh doanh hoặc đầu tư của mình tại thị trường Việt Nam.

Về phần mình, ông Groning nhấn mạnh đối với các công ty Đức và châu Âu, thỏa thuận này mở ra những cơ hội mới trong một khu vực châu Á đặc biệt năng động và đang phát triển. Theo quan điểm của các cuộc xung đột địa chính trị mới nổi, điều quan trọng là duy trì và phát triển quan hệ thương mại với các thị trường trong tương lai.

Là hiệp định thương mại tự do đầu tiên được đàm phán giữa EU và một quốc gia mới nổi, thỏa thuận với Việt Nam mang tính biểu tượng khi đây sẽ là một hình mẫu cho các hiệp định thương mại tự do trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục