Xuất khẩu nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam chịu tác động rõ rệt của dịch COVID-19 trong những tháng đầu năm.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, trong 4 tháng vừa qua, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản giảm 5,4% còn nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm tới 15,4%.
Để hiểu rõ hơn về hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng như giải pháp để thực hiện kế hoạch năm, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã chia sẻ với phóng viên những nội dung trên.
[Dịch COVID-19: Tái cấu trúc chuỗi cung ứng, phục hồi kinh tế ASEAN]
- Thưa ông, nhìn lại hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng đầu năm, ông có nhận xét gì?
Ông Trần Thanh Hải: COVID-19 là đại dịch toàn cầu và ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, còn đối với xuất nhập khẩu dịch bệnh cũng tác động rõ nét.
Theo đó, ngay khi xảy ra, dịch bệnh đã ảnh hưởng mạnh đến giao thương, đặc biệt là giao thương tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc.
Trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, rất nhiều ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc nên trong tháng 2, khi đại dịch mới xảy ra, việc áp dụng các giải pháp phòng dịch tại cửa khẩu đã gây nên khó khăn cho lưu thông hàng hóa giữa hai nước, đặc biệt là nhập khẩu nguyên liệu.
Khó khăn tiếp theo là thị trường tại khu vực châu Âu và Hoa Kỳ cũng sụt giảm đáng kể do dịch bệnh cũng đã lan tràn ở khu vực này.
Các hoạt động mua sắm, thương mại sụt giảm, rất nhiều nước áp dụng các biện pháp phong tỏa và do đó, thị trường gần như đóng băng. Do đó hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này cũng bị ảnh hưởng rất mạnh.
Hiện nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, nhưng ở nhiều nước, dịch bệnh vẫn còn diễn biến rất phức tạp và hoạt động xuất nhập khẩu liên quan đến mở cửa giao thông.
Mặc dù giao thương đường biển cơ bản được giữ ổn định, nhưng đường bộ và đường hàng không vẫn chưa được khôi phục như trước nên ảnh hưởng dịch bệnh còn khá nghiêm trọng và chúng ta chưa thể đánh giá hết được hậu quả.
- Vậy theo ông, những sản phẩm, thị trường nào bị tác động nhiều nhất?
Ông Trần Thanh Hải: Theo thống kê đến cuối tháng 4/2020, thị trường bị ảnh hưởng nhiều nhất là châu Âu, trong đó có những đối tác xuất nhập khẩu nhiều với Việt Nam như Đức, Anh, Pháp, Italy, Hà Lan đều ghi nhận sự sụt giảm.
Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng xuất khẩu vào khoảng 5%, dù không phải là con số tăng trưởng âm nhưng so với những năm trước đây thì mức tăng trưởng thấp hơn rất nhiều.
Riêng Hoa Kỳ có mức độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn các thị trường khác do trước khi dịch bệnh xảy ra, chúng ta đã ký hợp đồng và xuất khẩu sang khu vực này vẫn duy trì tương đối ổn định, tuy nhiên trong thời gian tới dự báo sẽ ghi nhận sự sụt giảm...
- Với các thị trường có ký các FTA như Việt Nam-EU hay CPTPP, theo ông có tác động như thế nào?
Ông Trần Thanh Hải: Với CPTPP, ngoài 3 nước ASEAN thì Việt Nam còn các thị trường lớn khác như Canada, Australia, Nhật Bản.
Đối với Nhật Bản, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng như trước đây, nhưng với Australia, sự sụt giảm cũng đã nhìn thấy. Còn với khu vực EU thì sự sụt giảm thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, khi dịch COVID qua đi, hiệp định EVFTA đi vào triển khai sẽ tạo "cú hích" mới để doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU.
- Thời điểm này, Việt Nam bắt đầu bối cảnh bình thường mới, vậy các giải pháp của Bộ Công Thương như thế nào để có thể xuất khẩu hàng hóa nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch?
Ông Trần Thanh Hải: Hiện nay, các bộ, ngành vẫn tập trung vào các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc ở khu vực biên giới, đặc biệt là biên giới phía Bắc với Trung Quốc.
Thực tế, trong bối cảnh phòng chống dịch, xuất khẩu qua biên giới, đặc biệt là Lạng Sơn vẫn đang tương đối chậm và lượng xe tồn đọng còn tương đối lớn. Do đó tháo gỡ khó khăn cho khu vực này vẫn là giải pháp trọng tâm.
Hoạt động tiếp theo là chuẩn bị cho hồi phục của các thị trường thì hoạt động xúc tiến cũng là quan trọng.
Tiếp theo nữa là với các FTA sắp có hiệu lực như Việt Nam-EU (EVFTA) hay hiệp định Việt Nam-Cuba, theo tôi, việc tuyên truyền về lợi ích cũng như cách tận dụng các lợi ích này, đặc biệt là thông qua quy tắc xuất xứ cũng rất quan trọng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương dự kiến làm việc với các hiệp hội để rà soát các kiến nghị cho các doanh nghiệp để vượt qua các khó khăn này, từ đó kiến nghị Chính phủ có các giải pháp rốt ráo.
- Cán cân thương mại của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020:
- Mặc dù dịch bệnh phức tạp, song với bối cảnh hiện nay, Chính phủ chưa điều chỉnh mục tiêu kế hoạch. Vậy theo ông có những yếu tố nào để có thể đạt được giá trị xuất nhập khẩu cao nhất trong năm nay?
Ông Trần Thanh Hải: Ngay từ cuối năm 2019, mục tiêu 300 tỷ USD kim ngạch đã được đánh giá là chỉ tiêu lớn.
Thời gian qua, khi dịch COVID-19 tràn qua các nước, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực và thực hiện xuất khẩu. Kim ngạch và giá trị xuất khẩu đã giảm mạnh sau 4 tháng và dự kiến sẽ vẫn suy giảm trong vài tháng nữa nếu dịch bệnh khống chế như hiện nay.
Chính phủ vẫn chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng và chúng ta xác định rằng đó là mốc để phấn đấu thời gian tới. Hy vọng khi dịch bệnh được kiểm soát trên toàn cầu thì hoạt động kinh tế xã hội hồi phục, sản xuất tăng trưởng thì có thể phấn đấu tiệm cận mục tiêu này.
- Vậy đâu là dư địa cho những tháng cuối năm, tạo động lực cho phát triển, thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải: Thời gian qua, khi dịch bệnh lên cao, nhu cầu của thị trường thế giới dường như nén lại. Nhưng khi đại dịch đi qua, rõ ràng nhu cầu tiêu dùng sẽ bung lên. Có thể chưa quá mạnh nhưng đó cũng là lực hút để các nước xuất khẩu như Việt Nam có thể đẩy mạnh đưa hàng đến các nước đó.
- Xin cảm ơn ông./.