Eurozone: Tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng, lạm phát chìm sâu vào vùng âm

Tỷ lệ thất nghiệp tại 19 quốc gia thuộc Eurozone đã tăng lên 8,1% trong tháng 8/2020, từ mức tương ứng 7,9% của tháng Bảy, còn lạm phát đã giảm xuống -0,3% trong tháng Chín.
Ảnh minh họa.(Nguồn: AFP/TTXVN)

Tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu trong tháng 8/2020 đã tăng tháng thứ năm liên tiếp, giữa bối cảnh ngày càng nhiều người lo ngại rằng các chương trình cứu trợ lớn của chính phủ các nước sẽ không thể giữ cho nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tồn tại mãi mãi.

Theo số liệu chính thức của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tỷ lệ thất nghiệp tại 19 quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên 8,1% trong tháng 8/2020, từ mức tương ứng 7,9% của tháng Bảy.

Như vậy, tính riêng trong tháng Tám vừa qua, Eurozone có khoảng 13,2 triệu người thất nghiệp và số người mất việc làm tăng 251.000 người.

Các chuyên gia kinh tế dự báo tỷ lệ này sẽ tăng mạnh hơn nữa trong những tháng tới, khi các chương trình hỗ trợ tiền lương hết hạn, trong khi sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 ở nhiều quốc gia đã dẫn đến việc một số nước quyết định tái áp đặt các lệnh hạn chế đi lại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động xã hội và các doanh nghiệp.

[Nền kinh tế Eurozone đang có nguy cơ đối mặt suy thoái kép]

Chính phủ các nước châu Âu đã chi hàng nghìn tỷ euro để trợ giúp các doanh nghiệp và đưa ra các chương trình để giữ chân người lao động.

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, khoảng 3,7 triệu người vẫn đang được hưởng lợi từ các chương trình cứu trợ quy mô lớn của Chính phủ.

Với diễn biến khó lường của đại dịch như hiện tại, Chính phủ Đức đã quyết định kéo dài thời hạn của các chương trình cứu trợ đến cuối năm 2021.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã bơm 1.350 tỷ euro (1.570 tỷ USD) vào nền kinh tế khu vực để giữ các khoản cho vay ở mức lãi suất thấp, đồng thời thực hiện việc in tiền mới tới ít nhất là giữa năm sau.

Mặc dù những biện pháp trên đã làm chậm lại sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, song tình trạng mất việc làm tại châu Âu vẫn có xu hướng gia tăng và dự kiến sẽ duy trì trong nhiều tháng nữa.

Các doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất như hàng không, du lịch và nhà hàng dự kiến sẽ phải trải qua một thời gian dài kinh doanh yếu kém và sa thải nhân công.

Mặt khác, suy thoái kinh tế trong một số trường hợp lại thúc đẩy những sự thay đổi đã xuất hiện  trước đại dịch, chẳng hạn như sự thay đổi công nghệ trong ngành công nghiệp ôtô.

Một số công ty hoạt động trong ngành công nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ hơn sau đợt phong tỏa hồi tháng Ba và tháng 4/2020, song các công ty hoạt động trong ngành dịch vụ lại vẫn đình trệ, đặc biệt là những lao động và chủ doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn.

Cũng theo Eurostat, lạm phát của Eurozone đã giảm sâu hơn và rơi vào vùng âm trong tháng Chín vừa qua, giữa bối cảnh nhu cầu chi tiêu ảm đạm do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng COVID-19.

Eurostat cho hay lạm phát của Eurozone đã giảm xuống -0,3% trong tháng 9/2020, từ mức -0,2% của tháng Tám và càng cách xa mức mục tiêu là khoảng 2%.

Việc chuyển sang tình trạng giảm phát sẽ tạo áp lực cho ECB trong việc đưa ra thêm các gói kích thích kinh tế và khuyến khích chính phủ các nước chi tiêu nhiều hơn.

Trong dài hạn, ECB dự báo lạm phát trung bình của Eurozone chỉ đạt 1,3%  trong năm 2022, vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Điều này đã làm dấy lên những lời kêu gọi cải cách chính sách đối với ngân hàng này.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde ngày 30/9 cho hay ngân hàng này có thể đánh giá "tính hữu dụng" của một giải pháp chính sách mà trong đó lạm phát được phép tạm thời vượt mức mục tiêu.

Động thái này diễn ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố về sự thay đổi chính sách hồi cuối tháng 8/2020, theo đó sẽ để lạm phát gia tăng nhằm cho phép nền kinh tế tạo ra nhiều việc làm hơn để mang lại lợi ích cho tất cả người lao động, đặc biệt là những gia đình có mức thu nhập đặc biệt thấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục