Eurozone: Thâm hụt ngân sách giảm, nợ công tăng

Tình hình tài chính công Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu đã được cải thiện trong năm 2013, tuy nhiên tổng nợ công vẫn ở mức nguy hiểm.
(Nguồn: uehle.com)

Theo số liệu công bố ngày 23/4 của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostats), tình hình tài chính công Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã được cải thiện trong năm 2013, tuy nhiên tổng nợ công vẫn ở mức nguy hiểm.

Thâm hụt ngân sách trung bình các nước Eurozone đạt 3% GDP năm 2013, bằng mức trần cho phép của Liên minh châu Âu (EU) và thấp hơn tỷ lệ 3,7% năm 2012. Tuy nhiên, tổng số nợ của Eurozone lại tăng lên mức 92,6% GDP, cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 là 90,7% và vượt xa so với giới hạn cho phép của EU là 60%.

Tính chung cả Liên minh châu Âu (EU), thâm hụt ngân sách năm 2013 là 3,3% và tổng nợ bằng 87,1% GDP. Sự gia tăng tổng nợ công là do chính phủ các nước phải vay mượn lớn để ổn định kinh tế trước tình trạng tăng trưởng trì trệ và khủng hoảng nợ.

Tính theo từng nước, kinh tế Đức tiếp tục duy trì sự ổn định khi chi tiêu công ở mức cân bằng. Trong khi đó, do thâm hụt ngân sách của Pháp năm 2013 ở mức cao 4,3% GDP nên EU đã đặt thời hạn cho Pháp phải đưa tỷ lệ này về mức trần 3% vào năm 2015.

Ngày 23/4, Chính phủ Pháp đã công bố một chương trình kinh tế mới với mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách về mức 3,8% GDP năm 2014 và 3% năm 2015, đồng thời kích thích sự phát triển của nền kinh tế.

Nước có thâm hụt ngân sách cao nhất trong khu vực là Slovenia với tỷ lệ 14,7% GDP, tiếp theo là Hy Lạp 12,7%, Ireland 7,2%, Tây Ban Nha 7,1%, Cyprus 5,4%. Xét về tổng nợ, Hy Lạp vẫn là nước có mức nợ cao công nhất tới 175% GDP, kế tiếp là Bồ Đào Nha 129% và Ireland 124%.

Nhiều chuyên gia cho rằng thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone đã đi qua, mặc dù một số quốc gia thành viên vẫn phải tiếp tục thắt chặt ngân sách và cải cách kinh tế sâu rộng trong những năm tới.

Giới hạn thâm hụt ngân sách 3% GDP và nợ công 60% GDP mà EU đưa ra được xem là ngưỡng an toàn mà các nước trong khối cần đạt được để kiểm soát được tình hình tài chính công và không bị tổn thương trước các cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, đa phần trong số 28 quốc gia thành viên đều nhiều lần phá vỡ các giới hạn này và một số nước đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề khi cuộc khủng hoảng nợ xảy ra như vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục