Ngày 24/3, các bộ trưởng tài chính thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngày 24/3 đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng về việc vay khoản tín dụng tương đương khoảng 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM), nhằm ứng phó với những tác động kinh tế tiêu cực từ dịch COVID-19.
Các bộ trưởng có chung quan điểm rằng khoản tín dụng từ ESM sẽ luôn sẵn sàng cho mọi thành viên Eurozone mặc dù không phải tất cả các nước đều phải đóng góp hoặc rút tiền từ quỹ này. ESM vốn là một trong những vũ khí tài chính quan trọng bậc nhất của EU sau Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Mặc dù vậy, quyết định cuối cùng về việc sử dụng tiền từ ngân quỹ 410 tỷ euro của ESM chỉ có thể được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo EU tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào ngày 26/3.
Nhiều nước Eurozone hiện đang lo ngại, tình hình dịch bệnh lây lan và nền kinh tế bị đẩy vào suy thoái sâu hồi đầu năm có thể khiến các thị trường tài chính đòi hỏi chính phủ đưa ra lãi suất cho vay cao hơn, tạo thêm sức ép cho một số quốc gia vốn đã phải gánh những khoản nợ lớn. Áp dụng một giới hạn tín dụng t ừ ESM sẽ giúp các nước có thể giữ lợi suất trái phiếu chính phủ ở các mức độ có thể kiểm soát.
Trong một diễn biến khác, ngành nông nghiệp ở một số nước châu Âu được dự báo sẽ suy giảm trong năm nay do thiếu hụt một lượng lớn lao động nước ngoài làm việc theo mùa vụ. Những lao động này không thể làm việc do nhiều quốc gia châu Âu đã áp đặt hàng loạt các biện pháp cấm nhập cảnh và hạn chế đi lại do dịch bệnh COVID-19.
[Nguy cơ sụp đổ của Eurozone đang bắt đầu hiện hữu?]
Tại Đức, nhiều hộ nông dân đang lâm vào tình thế khó khi phải đổi mặt với nguy cơ thiếu nhân lực thu hoạch vụ mùa. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Nông dân Đức Udo Hemmerling, mỗi năm có khoảng 300.000 lao động thời vụ đến làm việc tại Đức, chủ yếu đến từ Ba Lan và Romania. Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Julia Kloeckner cho biết nước này cần tới 30.000 lao động thời vụ tính riêng trong tháng 3/2020, và con số này tăng lên 85.000 lao động trong tháng 5/2020.
Đức không phải là nước châu Âu duy nhất khan hiếm lao động thời vụ trong bối cảnh hiện nay. Tại Áo, nước hiện thiếu 5.000 lao động trong ngành nông nghiệp, chính phủ đã thiết lập một trang web dành cho lao động tại các vùng khác tới đăng ký giúp thu hoạch mùa màng. Tại Thụy Sỹ, ngày càng có nhiều lo ngại về việc nước này năm nay chỉ có thể tiếp nhận một phần trong tổng số 33.000 lao động thời vụ cần thiết mỗi năm./.