Eurozone khởi động 2014 ấn tượng hơn Trung Quốc, Mỹ

Ngành chế tạo ở Eurozone có bước khởi đầu năm 2014 khá mạnh trong khi nhịp độ tăng trưởng ngành này ở Trung Quốc và Mỹ sụt giảm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: baden-wuerttemberg.de)

Số liệu công bố ngày 23/1 cho hay trong tháng 1/2014, lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong sáu tháng trở lại đây, nhịp độ tăng trưởng của các nhà máy chế tạo của Mỹ chậm lại đôi chút, trong khi khu vực tư nhân của Khu vực các nước sử dụng đồng euro (Eurozone) có bước khởi đầu năm 2014 khá mạnh.

Nhu cầu cả ở trong nước lẫn nước ngoài yếu đi trong tháng 1/2014 đã khiến sản lượng của lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc giảm, đồng thời đẩy Chỉ số quản lý mua Flash Markit/HSBC từ 50,5 trong tháng 12/2013 xuống 49,6 (điểm) lần đầu tiên trong sáu tháng qua. (Chỉ số này ở mức trên 50 là trong vùng tăng trưởng).

Theo nhà phân tích Peter Dixon thuộc ngân hàng Commerzbank, kết quả trên cho thấy Trung Quốc đang có xu hướng tăng trưởng chậm hơn song phù hợp với chủ trương của chính phủ nước này.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh tại phần lớn 18 nước Eurozone tích cực hơn. Chỉ số quản lý mua tổng hợp Flash Eurozone Composite Purchasing Managers' Index - do công ty thông tin tài chính Markit tổng hợp - trong tháng 1/2014 của khu vực đồng euro đã tăng lên 53,2, cao hơn mức 52,1 trong tháng 12/2013.

Kết quả này vượt xa dự báo của của Reuters và là mức cao nhất kể từ giữa năm 2011.

Sau khi lấy lại đà phục hồi trong nửa cuối năm 2013, lĩnh vực chế tạo của Mỹ có phần "hụt hơi" trong tháng 1/2014. Markit cho hay sự sụt giảm về sản lượng và các đơn đặt hàng mới là lý do chủ chốt khiến Chỉ số quản lý mua (PMI) của lĩnh vực chế tạo của Mỹ giảm từ 55 xuống 53,7.

Mặc dù vậy, nhịp độ tăng trưởng của lĩnh vực chế tạo của nền kinh tế lớn nhất thế giới nhìn chung vẫn vững. Nhà kinh tế chủ chốt của Markit, Chris Williamson, nói rằng việc sản lượng tăng khoảng 2% mỗi quý giúp tạo khoảng 10.000 việc làm mới mỗi tháng.

Nếu thị trường việc làm tiếp tục cải thiện Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ có thêm động lực giảm quy mô gói kích thích tăng trưởng kinh tế.

Kết quả trái ngược nói trên cho thấy nhịp độ tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu không đồng đều vào đầu năm 2014, đặc biệt là khi Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - tăng trưởng với nhịp độ chậm hơn.

Tăng trưởng kinh tế Eurozone vẫn kém Mỹ. Markit dự báo khu vực này có thể tăng trưởng 0,3-0,4% trong quý I/2014 nếu duy trì được mức tăng PMI xấp xỉ mức tăng của tháng 1/2014.

Trong khi đó, nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc chậm lại 7,7% trong quý IV/2013, so với mức tăng 7,8% trong quý trước đó, đưa tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 7,7%, dẫu sao vẫn cao hơn so với mục tiêu tăng trưởng 7,5% mà Chính phủ Trung Quốc đã đề ra.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết đẩy mạnh cải cách để tạo động lực tăng trưởng mới, trong bối cảnh kinh tế nước này để mất đà tăng trưởng khi nợ nần gia tăng và giá nhà đất tăng vọt.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục